Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động hội nghị trực tiếp dần chuyển sang hình thức trực tuyến. Nhu cầu họp qua mạng ngày một tăng, đi kèm với thách thức về bảo mật và an toàn thông tin. Vì vậy, các địa phương đều nhanh chóng đẩy mạng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân dùng mạng xã hội đúng cách, hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương cũng ban hành quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thiết bị họp trực tuyến để bảo đảm việc này diễn ra một cách hiệu quả, bảo mật.

Không nằm ngoài dòng chảy đó, tỉnh Bình Định cũng đã ban hành nhiều văn bản Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống, thiết bị họp trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó  tỉnh cũng ban hành công văn tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi sử dụng mạng xã hội.

{keywords}
Quang cảnh một buổi tập huấn “Kỹ năng sử dụng mạng xã hội và phòng, chống văn hóa phẩm độc hại trên không gian mạng cho thanh thiếu nhi” tại Bình Định. 

Điển hình như tháng 8 vừa qua, trên mạng xã hội và theo thông tin từ người dân đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, có văn bản giả mạo Công văn số 4920/UBND-VX của UBND tỉnh Bình Định đề nghị tiếp tục phối hợp trong công tác đưa người dân Bình Định tại Thành phố Hồ Chí Minh trở về tỉnh. Trrước đó, cũng đã xuất hiện nhiều tin giả như: Bình Định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 28/7/2021; TP Quy Nhơn đóng cửa chợ Đầm… lan truyền trong các nhóm kín trên zalo, facebook…

Thực hiện Văn bản số 2765  ngày 23/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng xã hội và Văn bản số 5076 của UBND tỉnh về việc thông tin về văn bản giả mạo Công văn số 4920/UBND-VX của UBND tỉnh Bình Định đề nghị tiếp tục phối hợp trong công tác đưa người dân Bình Định đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh trở về tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Cử người phát ngôn và tuân thủ kỷ luật phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin trong mọi tình huống, nhằm đảm bảo thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương phát ngôn không thống nhất, dẫn tới sự việc bị suy diễn, xuyên tạc.

Trong trường hợp sở, ngành, địa phương phát sinh sự việc đột xuất, sự cố bất thường thì chủ động và nhanh chóng cung cấp thông tin ban đầu cho các đơn vị báo chí trong tỉnh, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc (nếu có).

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng chống dịch tại sở, ngành, địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tham gia phòng chống dịch Covid-19 thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của cấp có thẩm quyền, có thái độ đúng mực với người dân, tránh gây bức xúc, bất bình, làm nóng vấn đề, phát tán các thông tin bất lợi lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực thi các biện pháp phòng chống dịch.

Các cơ quan, đơn vị quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý tìm hiểu kỹ nội dung trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; không đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với các cơ quan báo chí, trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố tập trung thông tin, tuyên truyền các nội dung công tác phòng, chống dịch Covid-19; chú trọng phản ánh việc các cơ quan chức năng cảnh báo và xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19…

Bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phản ánh trung thực, khách quan, tích cực về sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân; chủ động phản bác các luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Đối với phía Công an tỉnh, Sở yêu cầu tăng cường theo dõi, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định pháp luật.

Song song với ban hành các văn bản chỉ đạo, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định cũng tổ chức các lớp tập huấn theo chuyên đề nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội và phòng, chống văn hóa phẩm độc hại trên không gian mạng cho thanh thiếu niên.

Các buổi tập huấn đều nêu bật thực trạng của internet và mạng xã hội hiện nay; những vấn đề mặt trái của mạng xã hội; âm mưu, phương thức, thủ đoạn đưa thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng của các thế lực thù địch; tính cấp bách, phức tạp của công tác nhận diện, đấu tranh, phản bác, ngăn chặn và xử lý những thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Đồng thời hướng dẫn các kỹ năng nhận diện, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; hướng dẫn phương pháp đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội và những nhiêm vụ cần thiết của đoàn viên thanh niên trong việc phòng chống các tin giả; cách thức chọn lọc, tiếp cận thông tin cũng như các hình thức giải trí phù hợp.

Có thể nói mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống mỗi người. Nó không chỉ phổ biến ở thành phố mà đến tận vùng nông thôn. Vì vậy, tỉnh Bình Định cần coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và định hướng việc sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm để nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài ra, mỗi người dân Bình Định cũng cần tự biết cách chọn lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội.

Nhật Minh