Đeo đuổi mục tiêu chính quyền số, kinh tế số và xã hội số
BTV Tỉnh ủy Bình Định mới đây đã ra Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng 2030.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Năm 2025, có 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; Mỗi đơn vị cấp huyện xây dựng ít nhất 20% đơn vị hành chính cấp xã chuyển đổi số. Đồng thời, tỉnh xây dựng 3 đô thị thông minh gồm: TP Quy Nhơn, Thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn.
Đến năm 2030, có 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật, sẽ kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước.
Bình Định sẽ xây dựng Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam. |
Về kinh tế số, năm 2025 chiếm 10% GRDP, năm 2030 chiếm 15% đến 20% GRDP. Có tối thiểu 50% (năm 2025) và 80% (năm 2030) sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử, 80% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số. Hình thành 300 doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Về phát triển xã hội số, tỉnh Bình Định dự kiến phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình. 100 xã. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.
Ngoài ra, BTV Tỉnh ủy cũng đưa ra một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số như: y tế, quản lý hành chính, giáo dục, du lịch…
Củng cố nền móng để sớm đạt mục tiêu
Để thực hiện các mục tiêu trên, BTV Tỉnh ủy đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số.
Theo đó, điều đầu tiên mà Nghị quyết đưa ra là chuyển đổi nhận thức. Việc này được thực hiện bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Bên cạnh đó, việc kiến tạo thể chế cũng rất quan trọng, thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Bình Định cần tổ chức triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình chuyển đổi số quốc gia và cơ chế chính sách của Trung ương về chuyển đổi số.
Đặc biệt, Nghị quyết cũng nêu bật nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng sẽ chú trọng phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng; Đồng thời hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số… bằng việc huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị và ứng dụng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Triển hai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên vùng sâu, , vùng xa. Phát triển hạ tầng kết nối internet vạn vật đồng bộ; Thực hiện chuyển đổi mạng internet sang ứng dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6), mà trước hết là mạng internet trong cơ quan nhà nước.
Hoàn chỉnh các quy định, quy chế bảo đảm an toàn an ninh mạng theo mô hình 4 lớp; Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng cường dùng chung hạ tầng thông tin
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Liên kết với các Viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong nước cũng như nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.
Theo đánh giá của Bộ Thông Tin và Truyền thông về mức độ ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử năm 2019, Bình Định xếp vị trí 13/63 tỉnh thành; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông của tỉnh năm 2020 cũng xếp thứ 24/63 tỉnh thành.
Nhật Minh