Các chuyên gia xác định, phát triển nguồn nhân lực số là then chốt, quyết định trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Định. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; các DN, trường ĐH, CĐ, THPT đóng trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, thế giới đã bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nòng cốt là sự đột phá của công nghệ số. Cũng chính sự đột phá của các công nghệ số dẫn đến sự thông minh hóa mọi mặt của xã hội. Chuyển đổi số chính là cách đi trong chặng đường phát triển thời Cách mạng công nghệ 4.0 và là cơ hội để phát triển đất nước.

W-nhan-luc-3.jpg
Toàn cảnh hội thảo Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số Bình Định.

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Định về chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, hướng đến năm 2030 xác định tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Việc đánh giá thực trạng, nhu cầu, định hướng phân luồng học sinh phổ thông, việc đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp bách để đón đầu xu hướng phát triển, để có giải pháp thích ứng…

Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định Nguyễn Minh Thảo: “Phát triển nguồn nhân lực số cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số”

Nhân lực số là đối tượng được quan tâm và chú trọng bởi họ có các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức về công nghệ, an toàn, bảo mật thông tin. Đồng thời, đây cũng là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, trực tiếp thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn thông tin mạng để phục vụ hoạt động công nghệ số.

Để phát triển nguồn nhân lực số trong thời gian đến cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Trong đó, tập trung xây dựng chiến dịch truyền thông về chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trên các Cổng, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị…

W-nhan-luc-2.jpg
Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, cần phải phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đối với khu vực công, cần tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức có cơ hội tham gia các khóa bồi dưỡng trong nước, ở nước ngoài, đào tạo công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay.

Đồng thời, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp, chế độ khuyến khích về thưởng, chế độ đãi ngộ về môi trường làm việc để họ tiếp tục cống hiến cho công việc hiện tại.

Đối với khu vực tư, ngoài các kỹ năng chuyên môn, mỗi thành viên trong tổ chức cần có kỹ năng tương tác với các phần mềm ứng dụng, với dữ liệu có trong hệ thống thông qua nền tảng số của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo mọi thành viên trong doanh nghiệp có được kiến thức, kỹ năng số cần thiết, cần phải tổ chức đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người lao động.

Đối với người dân thì cần phải tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân qua Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs), đào tạo theo hướng phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số của chính quyền và dịch vụ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, tài chính...

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực phải được chú trọng. Các trường ĐH có chuyên ngành đào tạo công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, phân tích dữ liệu, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo cần có chính sách để hỗ trợ về cơ sở vật chất để thu hút sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu

Bổ sung, triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số tới sinh viên các ngành khác nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giúp tăng khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động hiện tại và lực lượng kế cận.

Triển khai Chương trình “Học từ làm việc thực tế” để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của DN.

PGS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn: “Đào tạo nhân lực số đáp ứng nhu cầu là hết sức cần thiết cho sự phát triển bền vững”

Tỉnh uỷ Bình Định xác định chuyển đổi số là chìa khóa tạo ra sự khác biệt. Đây là một cơ hội rất lớn cho các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn và của quốc gia và trong đó kết nối theo hướng hệ sinh thái để cùng đáp ứng nhu cầu cùng chiến thắng. Các DN, cơ quan thẩm quyền tạo ra môi trường để cùng thực hiện nhiệm vụ mục tiêu chiến lược.

Chính vì thế, ngoài việc thực hiện sứ mệnh tầm nhìn cho các vùng này, gắn sát các nhu cầu của địa phương là một trách nhiệm và đồng thời cũng là cơ hội tốt, bài toán được đặt ra cho Trường ĐH Quy Nhơn. Trên cơ sở trao đổi với các đối tác liên quan, đặc biệt là các DN chuyển đổi số của Việt Nam kết nối với nước ngoài để có phối hợp trong đào tạo đáp ứng nhu cầu. Sau khi có chỉ đạo lãnh đạo Bình Định cho thấy việc đào tạo nhân lực là hết sức cần thiết vì có chuyển đổi số thì con người phải ứng dụng được thì mục tiêu hướng đến sẽ có kết quả như mong muốn…

W-nhan-luc-1.jpg
PGS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn: “Đào tạo nhân lực số đáp ứng nhu cầu là hết sức cần thiết cho sự phát triển bền vững”

Bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu, Trường ĐH Quy Nhơn liên tục cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ công tác quản lý, xét tuyển, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã mở ra các ngành đào tạo như: Khoa học dữ liệu; Khoa học dữ liệu - Ứng dụng; Trí tuệ nhân tạo (AI); Kỹ thuật phần mềm…

Nguồn nhân lực trước mắt là đào tạo, khuyết chỗ nào đào tạo chỗ đó để thu hút các nhà đầu tư vào Bình Định để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số. Sự thay đổi rõ nét nhất trong cải cách hành chính đã từng bước số hoá chứ không dùng giấy tờ theo cái cũ, tiết kiệm chi phí. Quan trọng hơn đã làm thay đổi trong tư duy và điều hành ở nhiều lĩnh vực - được xem như một lợi thế cạnh tranh của Bình Định trong thời gian tới.

Như vâỵ, bài toán đặt ra là đào tạo nhân lực số đáp ứng nhu cầu là hết sức cần thiết cho sự phát triển bền vững. Năm 2025 kết thúc chu kỳ 1 chương trình đào tạo giáo dục phổ thông mới.

Nhu cầu nhân lực đáp ứng chuyển đổi số hướng đến hai việc: Đầu ra (việc làm) và phân luồng như thế nào để khích lệ cho các em. Việc đào tạo nguồn nhân lực chúng ta phải cùng nhau đáp ứng nhu cầu và cùng cái hệ sinh thái để phát triển.

Nhân lực trước mắt là đào tạo cho phù hợp, bền vững cho tương lai của tỉnh Bình Định và tất cả địa phương trong khu vực; đồng thời, phân luồng và gợi mở chuyển đổi số cho các bậc phổ thông…

Sở TT&TT cho biết, hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có 32.398 công chức, viên chức. Trong đó, số lượng công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số là 510 người, chiếm 1,5% số lượng công chức, viên chức toàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 8.377 DN. Số lượng DN đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có 186 DN. Tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, hiện đã thu hút 2 DN với trên 1.000 nhân sự công nghệ thông tin. Mục tiêu đến năm 2025, sẽ thu hút 2.000 lao động làm việc tại khu công viên này.

Tại Bình Định hiện có 2 dự án đang triển khai gồm Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân và Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software. Sau khi 2 dự án này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có hơn 10.000 lao động làm việc.

Nguyễn Hiền – Diễm Phúc