Hồi cuối tháng 2/2021, tại thành phố New York, Mỹ và các thành phố khác trên thế giới, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới; trong đó, Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong danh sách này.

Bình Dương là địa phương đầu tiên tại Việt Nam trở thành thành viên của ICF vào năm 2018, mở ra cơ hội thiết lập quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn với cộng đồng thông minh toàn cầu nhằm mục đích trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương.

Để tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Kế hoạch), hôm 20/8, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 20/CTr-TU ngày 31/5/2021.​

{keywords}
Bình Dương xác định, “siêu” dự án với tầm nhìn “Trí thức - kết nối - sáng tạo”, là đòn bẩy để Bình Dương hội nhập và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

​Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, đến năm 2025 chiếm 28%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ bình quân hàng năm khoảng 11%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân khoảng 14 – 15%/năm. Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, khoa học công nghệ đáp ứng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo động lực cho phát triển chung của tỉnh, góp phần rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, triển khai thí điểm mạng 5G trên địa bàn tỉnh…

Định hướng giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương tiếp tục là địa phương điển hình về phát triển kinh tế tri thức với hệ thống các trung tâm thương mại cao cấp, trung tâm tài chính hiện đại, trung tâm hậu cần dịch vụ kho vận logistics, các dịch vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực, các dịch vụ an sinh xã hội đáp ứng tốt nhu cầu của địa phương và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, ngành dịch vụ được hiện đại hóa với cơ cấu cân đối, hợp lý, có hệ thống phân phối phát triển đồng bộ, chuyên nghiệp, vừa mở rộng về quy mô và phạm vi, vừa tham gia có chiều sâu vào phát triển sản xuất và tiêu dùng. Khuyến khích chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp và các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ở các đô thị phía Nam của tỉnh thành các Khu công nghiệp công nghệ cao, các khu đô thị, thương mại, dịch vụ cao cấp, hiện đại.

Về đường hướng hành động, văn bản do Chủ tịch tỉnh- ông Võ Văn Minh ký hôm 20/8 nêu rõ, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của Kế hoạch, trong đó tập trung vào 05 nhiệm vụ và giải pháp: Rà soát, quy hoạch không gian, quỹ đất nhằm phục vụ phát triển dịch vụ chất lượng cao; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ phục vụ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh; phát triển dịch vụ khoa học công nghệ, thông tin truyền thông làm nền tảng cho phát triển chính quyền số, kinh tế số gắn với Vùng đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; phát triển các dịch vụ an sinh xã hội theo hướng chuyên sâu và chất lượng cao và một số nhiệm vụ giải pháp khác cần tập trung thực hiện.

Cửu Long