Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các mục tiêu Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Bình Dương; góp phần thực hiện mục tiêu “Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước” theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ảnh minh họa |
Theo đó, kế hoạch đề ra những mục tiêu cơ bản về phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử; dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính...
Một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số: Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế: Xây dựng, triển khai kế hoạch hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy; Xây dựng, triển khai hệ thống y tế cơ sở, hồ sơ sức khỏe điện tử; Xây dựng trung tâm điều hành, hệ thống y tế thông minh phục vụ các lĩnh vực; Xây dựng, tích hợp, triển khai các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khoẻ người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khoẻ và cán bộ y tế. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng CSDL tập trung của ngành Giáo dục; Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số và công nghệ số để đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục, phương pháp dạy và học; Thực hiện chuyển đổi số 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa…. Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và logistics: Nghiên cứu áp dụng Bộ chỉ số về mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh; Triển khai thí điểm mô hình nhà máy thông minh; Ứng dụng công nghệ số trong thu hút đầu vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Xây dựng bản đồ GIS về logistics…. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải: Triển khai dự án giám sát và điều hành giao thông thông minh; Triển khai cổng thông tin và ứng dụng di động cho hệ thống giao thông công cộng... Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Tiếp tục hoàn thiện CSDL về tài nguyên môi trường, nước, khoáng sản, đất đai, đo đạc và bản đồ; Tiếp tục thực hiện mở rộng hệ thống quan trắc, chia sẻ CSDL và quản lý môi trường đảm bảo tiếp nhận, phân tích, dự báo, cảnh báo về môi trường…. Chuyển đổi số trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị: Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý trên một số lĩnh vực ưu tiên như Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; Cung cấp dữ liệu số trên lĩnh vực xây dựng phục vụ người dân và doanh nghiệp.….. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; Chuyển đổi số trong công tác quản lý nông nghiệp để đề xuất chính sách, điều hành phù hợp và kịp thời…. Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá và du lịch: Triển khai số hoá toàn bộ điểm đến, sản phẩm du lịch của tỉnh; bản đồ số dịch vụ du lịch; Triển khai số hoá các di sản văn hoá, các khu di tích lịch sử, văn hoá trọng điểm trên địa bàn tỉnh kết hợp ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường….. Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng: Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng cường triển khai các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; đẩy mạnh sử dụng năng lương tái tạo trong sản xuất, kinh doanh….. Để chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 thực sự hiệu quả, UBND tỉnh đề nghị các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, chính trị - xã hội căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính của Kế hoạch tổ chức, phân công, chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban trực thuộc có trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý. |
Cửu Long