Nét nổi bật trong chuyển đổi số ở Bình Dương là sự chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị các cấp trong công tác lãnh đạo, điều hành và xây dựng thể chế về chuyển đổi số. 

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại cơ quan hành chính các cấp liên tục được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật cung cấp hàng loạt ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Những năm qua, hoạt động ứng dụng nền tảng công nghệ số trong cải cách thủ tục hành chính đã được Bình Dương triển khai quyết liệt. Các sở, ngành, địa phương đã đồng loạt giải quyết hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Tới nay, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; trên 50% người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ xa tại nhà không phải đến cơ quan Nhà nước…

Mặt khác, tỉnh Bình Dương đã ứng dụng thành công mô hình xây dựng và phát triển thành phố thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm hệ thống các trung tâm về tự động hóa, sản xuất thông minh, sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo).

Tỉnh còn xây dựng hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số; Thu hút đầu tư logistics xanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng hiện đại, tăng cường liên kết dịch vụ logistics vùng, khu vực và quốc tế.

Anh tin 9.jpg
Chuyển đổi số sẽ giúp nhiều nông dân Bình Dương tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Hiện toàn tỉnh có gần 49.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số. Với sự phát triển của kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng, lưu thông trong và ngoài nước.

Tỉnh Bình Dương đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nền tảng số, tăng cường hoạt động thương mại điện tử để mở rộng thị trường và kết nối với các nền kinh tế toàn cầu. 

Một trong những mục tiêu chiến lược mà tỉnh Bình Dương hướng đến để tăng năng suất lao động là phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi sang nền kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt bán dẫn, cũng là ưu tiên chiến lược của tỉnh.