Sáng 29/6, UBND tỉnh Bình Dương họp phiên thường kỳ tháng 6 nhằm thông qua báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Phiên họp được trực tuyến đến 09 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Kinh tế tăng trưởng 7,23%

Báo cáo của UBND tỉnh cho hay, 6 tháng qua, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và trong nước. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, kịp thời của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình hưởng ứng của người dân nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh lây lan, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững và ổn định.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 6,73%); trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 8,09%; dịch vụ tăng 5,67%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,66%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,89%.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Các doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu, thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm nên đã nhận được đơn hàng ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 8,23% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 6,4%).

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước tăng 10,4% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông có nhiều khởi sắc nên kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 47,2%; kim ngạch nhập khẩu ước tăng 43,4%.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Bình Dương tiếp tục đạt kết quả vượt bật trong thu hút đầu tư. Tính đến ngày 15/6/2021, tỉnh đã thu hút 49.115 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 91,2% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 51.916 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 492.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1 tỷ 407 triệu đô la Mỹ (đạt 78,2% kế hoạch, tăng 65% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.982 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 36,79 tỷ đô la Mỹ.

Ước thu ngân sách 36.600 tỷ đồng, đạt 62% dự toán HĐND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 23% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách thực hiện 6.000 tỷ đồng, đạt 23% dự toán, giảm 4% so với cùng kỳ.

Chăm lo an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm, tỉnh đã chi hơn 700 tỷ đồng dịp Tết Nguyên đán 2021, xây dựng, sửa chữa 28 căn nhà tình nghĩa (1,9 tỷ đồng); tặng 2.000 thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ 68.934 đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh với tổng số tiền 79,8 tỷ đồng.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp với tình hình, tổ chức dạy - học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm nghỉ với phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học"; hướng dẫn học sinh các cấp ôn tập, kiểm tra học kỳ 2 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra an toàn, đúng kế hoạch.

Tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sát với từng giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 như: Kế hoạch phòng, chống dịch trên phạm vi toàn tỉnh; phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở, sản xuất, kinh doanh, các khu công nghiệp; kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các địa phương để kịp thời chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; thành lập các chốt kiểm soát dịch tại các địa phương giáp ranh... Ngày 22/6/2021, tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND để chỉ đạo một số đơn vị, địa phương áp dụng thực hiện các Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tiêm vắc xin theo kế hoạch (đến nay đã tiêm cho 43.432 người).

Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn

UBND tỉnh đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 là rất nặng nề.

Thời gian tới, Bình Dương khẩn trương thực hiện các kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương ngày 27/6/2021 với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, kiên định thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, cũng như không hoang mang, lo sợ; đề cao trách nhiệm trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh theo phương châm "5K + vắc xin và công nghệ".

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Đẩy nhanh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, trọng tâm là vốn đầu tư công năm 2021. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát huy hiệu quả vai trò của khu vực doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền điện tử.

Song song đó, chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuyên truyền khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn trong lao động, sản xuất tạo niềm tin, sức mạnh lan tỏa trong toàn xã hội.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Thao biểu dương kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng qua. Đồng thời ông cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tỉnh chưa có phương án phòng, chống dịch trong khu công nghiệp; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với sự phát triển...

Dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới trong thời gian tới, Chủ tịch đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục nắm chắc, bám sát tình hình, nâng cao tinh thần "chống dịch như chống giặc" để có giải pháp "đánh chặn" hiệu quả.

Chủ tịch Hoàng Thao cho rằng, việc thực hiện "mục tiêu kép" hết sức nặng nề, khó khăn. Trong tình hình hiện nay, cần ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với phương châm "5K + vắc xin + công nghệ"; có kịch bản ứng phó dịch ở mức độ cao hơn, trong tình huống xấu hơn khi có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Không để dịch bệnh lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng và lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Nâng cao năng lực cách ly, điều trị và xét nghiệm. Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch trong khu công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Song song đó, phải đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là các hộ nghèo, gia đình khó khăn... Trước mắt, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng.

Cửu Long