Thành lập 5.013 Tổ An toàn Covid-19 tại doanh nghiệp
Tổng số lao động đang làm việc tại các KCN tại Bình Dương là 485.700 người, trong đó có hơn 90% lao động là người ngoài tỉnh, cùng với đó có gần 15.000 lao động là người nước ngoài.
Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN tỉnh, đến nay, trong các KCN đã có 43 doanh nghiệp tại 25/27 KCN (trừ KCN Tân Bình và Bàu Bàng mở rộng) xảy ra dịch Covid-19 với 369 trường hợp F0; đã truy vết được 4.403 trường hợp F1, 9.116 trường hợp F2. Nguồn lây nhiễm chính từ các ổ dịch tại TP.Hồ Chí Minh. Có 95.141 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.
Chốt phong tỏa tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. |
Ban Quản lý các KCN tỉnh đã ban hành 25 văn bản, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; phát hành 100 văn bản đề nghị doanh nghiệp báo cáo kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Quyết định số 2194 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, đăng ký ở lại nơi làm việc, khai báo điện tử bằng QR-Code, thành lập Tổ An toàn Covid-19 tại các doanh nghiệp… Đồng thời triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo Quyết định số 2787 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN"; các quy định của Bộ Y tế về xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người lao động và các đối tượng có nguy cơ cao…
Qua yêu cầu và hướng dẫn, đã có 1.877/2.045 doanh nghiệp có báo cáo tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, chiếm 91% số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 1.366 doanh nghiệp tự đánh giá rất ít nguy cơ; 433 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp; 71 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm trung bình; 03 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao; 04 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Toàn tỉnh đã thành lập 5.013 Tổ An toàn Covid-19 tại doanh nghiệp. Có 1.362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự đảm bảo sản xuất trong điều kiện có dịch. Để đảm bảo sản xuất an toàn trước dịch Covid-19, 46 doanh nghiệp có văn bản đề nghị cho người lao động ở lại nhà máy vừa lưu trú, vừa sản xuất với tổng số lao động đăng ký gần 10.000 người. Ban Quản lý các KCN tỉnh đang phối hợp Sở Y tế ban hành các điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19 khi cho công nhân ở lại nhà máy để doanh nghiệp thực hiện.
Mở chiến dịch xét nghiệm sàng lọc, có thể tổ chức tiêm vắc xin lưu động
Tại buổi làm việc, chủ đầu tư các KCN bày tỏ tin tưởng công tác chỉ đạo và tổ chức phòng, chống dịch bệnh Covid 19 trên địa bàn tỉnh, đồng thời khẳng định tinh thần đồng hành và hỗ trợ kinh phí để công tác phòng, dịch của tỉnh Bình Dương đạt hiệu quả cao nhất, đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường trong tình hình mới.
Các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh có giải pháp đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân. Một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi bị phong tỏa, kiến nghị ngành Y tế cần đẩy nhanh việc test nhanh Covid-19 cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị phong tỏa sớm được hoạt động trở lại an toàn. Để thực hiện tốt "3 tại chỗ" (ăn, ở, sản xuất tại nhà máy), doanh nghiệp đề nghị tỉnh bố trí xe hàng hóa lưu động cung cấp nhu yếu phẩm cho người lao động tại doanh nghiệp. Thành lập tổ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, xuất khẩu.
Ghi nhận các kiến nghị của chủ đầu tư các KCN tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết, trong những ngày tới, Bình Dương sẽ mở chiến dịch xét nghiệm sàng lọc để chủ động phát hiện ca mắc trong cộng đồng và doanh nghiệp. Giao ngành Y tế chuẩn bị 500.000 test nhanh để tham gia chiến dịch này, đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm, sắp xếp công tác tổ chức lấy mẫu đảm bảo an toàn, trật tự, rút ngắn thời gian trả kết quả (chậm nhất 24 giờ).
Bí thư lưu ý, cần hoàn thiện kịch bản phòng, chống Covid-19 trong KCN, ngành chức năng phối hợp với doanh nghiệp xử trí nhanh khi phát hiện ca mắc. Phong tỏa ngay phân xưởng, đưa F0 đến cơ sở y tế điều trị và cách ly F1, test nhanh và trả kết quả nhanh đối với các trường hợp liên quan, phun khử khuẩn phân xưởng. Ưu tiên tiêm vắc xin cho đối tượng, khu vực nguy cơ cao, có thể tổ chức tiêm vắc xin lưu động tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ nhà trọ, vận động chủ nhà trọ tham gia vào Tổ Covid-19 cộng đồng. Tổ chức phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm đến các khu phong tỏa và các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ"; hoặc tổ chức các điểm cứu trợ, điểm bán hàng 0 đồng tại khu phong tỏa để đảm bảo đời sống nhân dân, ổn định xã hội. Công an, Quân đội phải tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24, đảm bảo an ninh trật tự. Chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp phối hợp với tổ chức Công đoàn tuyên truyền, ổn định tư tưởng cho công nhân lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh rà soát, triển khai chính sách hỗ trợ cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.
Nhấn mạnh tổ chức sản xuất trong điều kiện mới, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất là nhiệm vụ quan trọng hiện nay, Bí thư yêu cầu UBND tỉnh thành lập ngay Tổ hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh. Ở những doanh nghiệp nguy cơ thấp, tiếp tục tổ chức sản xuất theo phương án "3 tại chỗ". Doanh nghiệp nguy cơ cao hơn giảm công suất hoạt động. Bí thư yêu cầu các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của tỉnh. Đồng thời tin tưởng, với sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Bình Dương sẽ sớm vượt qua khó khăn để thực hiện thành công "mục tiêu kép".
Cửu Long