Những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan xuất hiện với tần suất cao thời gian gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bình Dương đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính (KNK) nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ BĐKH.

Theo các nhà khoa học đánh giá, tại các thành phố lớn, nơi có tốc độ đô thị hóa cao, số dân tăng nhanh, đang phải đối mặt những thách thức nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường và phát thải KNK ngày càng tăng. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về giảm nhẹ phát thải KNK còn hạn chế. 

Các chuyên gia môi trường cho rằng, những năm qua, lượng khí thải chủ yếu ở các địa phương của Việt Nam đến từ hoạt động giao thông và năng lượng cố định chiếm hơn 90% tổng lượng khí thải mà nước ta đang đối diện. Riêng với tỉnh Bình Dương, theo thống kê năm 2018, các chuyên gia đánh giá đây là một trong những địa phương có phát thải khí nhà kính (KNK) cao và cần có phương án ứng phó kịp thời.

{keywords}
Ảnh minh họa

Để có được phương pháp luận logic và khoa học, tỉnh đã giao Sở Khoa học & Công nghệ chủ động kết nối và tìm đầu mối thực hiện đề tài Nghiên cứu và đánh giá mức phát thải KNK trên đơn vị GDP tỉnh Bình Dương. 

Sau 18 tháng nghiên cứu, khảo sát và tổng hợp dữ liệu về các nội dung liên quan đến hiệu ứng nhà kính và khí thải nhà kính, giáo sư Nguyễn Văn Phước đã có buổi trình bày nghiệm thu đề tài trong khuôn khổ nội bộ với Hội đồng Khoa học tỉnh. Tại buổi thuyết trình nghiệm thu nội bộ, giáo sư Nguyễn Văn Phước đã giới thiệu với các nhà khoa học tỉnh Bình Dương công cụ tính mức phát thải KNK và hướng dẫn sử dụng.

Theo đó, công cụ tính mức phát thải KNK được sử dụng trong báo cáo này dựa trên phần mềm sẵn có của IPCC (chương trình IPCC). Phiên bản 2.69 của phần mềm IPCC triển khai các phương pháp tính phát thải KNK với việc sử dụng các hệ số bậc 1 đơn giản nhất cho tất cả các ngành và các hệ số bậc 2 cho hầu hết các danh mục trong lĩnh vực năng lượng, IPPU và chất thải cũng như các danh mục nông nghiệp thuộc lĩnh vực AFOLU trong Hướng dẫn IPCC 2006 về kiểm kê KNK quốc gia.

Trên cơ sở các chương trình khoa học công nghệ đề xuất, kế thừa kết quả nghiên cứu giảm phát thải KNK ở một số địa phương tại Việt Nam, đồng thời kết hợp với điều kiện thực tế tại Bình Dương, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp và tiềm năng giảm phát thải KNK đối với tỉnh.

Cụ thể là sử dụng có hiệu quả các thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng; cải tạo hệ thống chiếu sáng; trồng cây và tăng cường mảng xanh (công viên, đường sá, vỉa hè, bờ kênh); sử dụng năng lượng hiệu quả trong giao thông vận tải theo hướng giảm dần việc lưu thông những phương tiện tiêu hao nhiều nhiên liệu và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp và xe máy chạy bằng điện, thay thế 1 số xe buýt Diesel bằng xe buýt chạy bằng khí hóa lỏng (CNG); thay đổi thói quen phương tiện vận chuyển cá nhân; nghiên cứu giải pháp sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp…

Ngoài ra, đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp tỉnh cũng cần có phương án tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân giảm sử dụng phân bón hóa học đồng thời thực hiện thay đổi khẩu phần thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để giảm mức độ phát thải KNK trong chăn nuôi.’

Cửu Long