Theo đó, Kế hoạch đề ra những mục tiêu cơ bản về phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh được xác thực điện tử; dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
Ảnh minh họa |
Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 50% trở lên; 60% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại; tỉnh thuộc nhóm 10 địa phương đứng đầu về xếp hạng chuyển đổi số, xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xếp hạng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xếp hạng về an toàn, an ninh mạng; kinh tế số chiếm 20% GRDP.
Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; hạ tầng mạng Internet băng rộng phủ trên 99% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chung về chuyển đổi nhận thức; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số; phát triển hạ tầng dữ liệu; ứng dụng, phát triển nền tảng số; đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; nghiên cứu, phát triển, hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực; đo lường chuyển đổi số.
Cùng với đó, triển khai các nhiệm vụ và giải pháp phát triển Chính quyền số về nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Xây dựng Cổng dữ liệu Chính quyền mở, chia sẻ một phần Kho dữ liệu dùng chung theo quy định, phục vụ người dân, doanh nghiệp và cộng đồng có điều kiện khai thác dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ nghiên cứu, học tập, sáng tạo sản phẩm đóng góp cho sự phát triển của chính quyền và xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế số, phát triển hệ sinh thái.
Triển khai nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế số về phổ biến kiến thức và tư vấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp số.
Triển khai chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên như: y tế; giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; sản xuất công nghiệp và logistics; giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; quy hoạch và quản lý đô thị; nông nghiệp; văn hoá và du lịch; năng lượng.
Cửu Long