Theo đó, đến năm 2025, Bình Dương phấn đấu đạt được một số mục tiêu về quy mô thị trường TMĐT: Doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; trong đó, tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định ở mức tăng từ 15% - 20%/ năm; phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 35%.
Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT: Thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử…
Đến năm 2025, Bình Dương phấn đấu đạt được một số mục tiêu về quy mô thị trường TMĐT. |
Về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp: 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; trên 50% doanh nghiệp cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia mô hình truy xuất nguồn gốc rau củ quả; hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP, hàng hóa truyền thống, làng nghề, hàng đặc sản của tỉnh được trưng bày và bán trên Sàn TMĐT Bình Dương và một số sàn TMĐT phổ biến khác; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT …
Về phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT: 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT; phấn đấu có 10.000 lượt cán bộ quản lý nhà nước, thương nhân, học sinh, sinh viên được tham dự các chương trình tuyên truyền phổ biến, hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về TMĐT và dịch vụ bán hàng trực tuyến…
Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0; phát triển nguồn nhân lực phục vụ TMĐT; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường công tác đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; tăng cường hợp tác giữa các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp (hội, hiệp hội) trong quản lý và phát triển TMĐT; tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các khu vực, quốc gia, tỉnh, thành phố có thị trường TMĐT phát triển.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, đào tạo kỹ năng kiến thức TMĐT cho tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng nhằm khuyến kích, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thanh toán đảm bảo trong giao dịch TMĐT và khuyến khích người dân, doanh nghiệp hưởng ứng sử dụng; nghiên cứu, xem xét áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR) nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong TMĐT, tạo lòng tin của người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương.
Cửu Long