Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới, ngày từ năm 2004, Bình Dương đã sớm đầu tư xây dựng Dự án Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị (gọi tắt là khu liên hợp). Đây là một điểm nhấn tạo sự kỳ vọng lớn trong phát triển đô thị, ổn định xã hội để người dân yên tâm gắn bó lâu dài tại địa phương.
Trong nhiệm kỳ qua, Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng nể trong việc tạo ra điểm nhấn phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ để từ đó tạo ra những đột phá mới, trở thành một trong những địa phương phát triển năng động, bền vững.
Bên cạnh sự phát triển nhanh về công nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Bình Dương ngày càng được nâng chất theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ. |
Những chuyển biến tích cực
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, việc tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ trong thời kỳ mới là tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững, từ đó phát huy sức mạnh để hỗ trợ công nghiệp phát triển hiệu quả hơn.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trần Du Lịch, cũng từng góp bàn, từ những tiềm năng phát triển hiện có, Bình Dương cần cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, thu hút thương mại dịch vụ để định hướng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống, xanh sạch, là khu vực dịch vụ chất lượng cao cho toàn vùng. Từ đó tạo ra những đột phá mới, trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của cả nước.
Với 29 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, trong đó nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, Bình Dương thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Hiện Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI. Số lượng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh từ năm 2017 đến nay tăng gần gấp 1,5 lần, từ gần 30.000 lên gần 44.000.
Cùng với công nghiệp, lĩnh vực - thương mại dịch vụ đang có những chuyển biến tích cực, cả trong dịch vụ phục vụ công nghiệp, đô thị, giáo dục - đào tạo. Trong định hướng phát triển bền vững, cùng với việc thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, đồng thời tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh thương mại, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng, công nghệ sáng tạo…
Hiện nay, ba thành phố trực thuộc tỉnh là TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An và TP.Thuận An đang có rất nhiều tiềm năng phát triển và cần có bước đột phá mới. Về việc đột phá dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và đầu tư tài chính vào công nghệ, ba thành phố TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An là cơ sở với quy hoạch theo hướng đô thị thông minh. Trong đó thành phố mới sẽ tiếp tục vai trò hạt nhân, Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương đang được hình thành sẽ là điểm sáng.
Theo đánh giá của ngành công thương, thương mại - dịch vụ của tỉnh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế phát triển với nhiều loại hình phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, thương mại điện tử, hệ thống cửa hàng tiện lợi… Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 17,95%/năm, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 15,81%/năm. Hệ thống hạ tầng thương mại dịch vụ không ngừng được đầu tư, nâng cấp; phát triển nhiều loại hình phân phối với sự tham gia của các thương hiệu lớn cả trong và ngoài nước.
Hiện nay, ngành công thương triển khai đến các huyện thị xã, thành phố đề án phát triển mạng lưới chợ, siêu thị nhằm phát triển thương mại; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển chợ còn chậm so với phân kỳ trong quy hoạch, nhất là chợ nông thôn, tạo lực đẩy cho phát triển kinh tế tại các địa phương.
Đẩy mạnh thương mại, dịch vụ chất lượng cao
Theo định hướng, giai đoạn 2021-2025, cùng với việc thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, Bình Dương đồng thời tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh thương mại, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng, công nghệ sáng tạo…
Theo đánh giá của cộng đồng DN, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ cao không chỉ tạo diện mạo mới cho tỉnh mà còn là điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, trong hướng quy hoạch phát triển, Bình Dương hướng đến tạo ra giá trị gia tăng mới, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng. Trước mắt là việc đẩy nhanh kết nối các vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế... từ đó lan tỏa trong vùng và cả khu vực xung quanh.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho hay, trong chặng đường tiếp theo, địa phương tiếp tục kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ; phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ - giải trí như siêu thị, cửa hàng tự chọn, khu thể thao... Tỉnh đã và đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư lớn về thương mại - dịch vụ triển khai đúng tiến độ; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương đưa thương mại - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.
Bạch Dương