Trở thành thành viên chính thức của WTC

Mới đây, tại hội nghị triển khai đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC thông báo, Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) vừa được Hiệp hội trung tâm thương mại thế giới (WTC) công nhận thành viên chính thức.

{keywords}
Dự án WTC BDNC là một quần thể bao gồm trung tâm hội chợ, hội nghị quốc tế, khách sạn, khu mua sắm, khu văn phòng, nhà ga Metro kết nối với tuyến Metro số 1 của TP.HCM.

 

Theo đại diện của Becamex IDC, mục tiêu của việc hình thành và phát triển Trung tâm thương mại Thế giới tại Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) là nhằm mục tiêu kết nối và giúp các doanh nghiệp địa phương phát triển giao thương quốc tế, phát triển Bình Dương trở thành một khu vực năng động có đa dạng dịch vụ chuyên nghiệp, phát triển nhân lực có khả năng phát triển thương mại toàn cầu.

WTC BDNC với vai trò hỗ trợ hoạt động dịch vụ thương mại quốc tế tại Bình Dương và các khu vực lân cận, sẽ tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước (bao gồm cơ sở vật chất và dịch vụ thương mại quốc tế) như trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại mua sắm, tổ hợp nhà hàng khách sạn. Cơ sở dịch vụ thương mại quốc tế tại trung tâm gồm dịch vụ tổ chức hội chợ quốc tế, dịch vụ tổ chức hội nghị quốc tế, dịch vụ kết nối doanh nghiệp thương mại, dịch vụ kết nối phái đoàn thương mại, trung tâm thông tin và hỗ trợ phát triển thương mại quốc tế, trung tâm đào tạo phát triển nhân lực thương mại toàn cầu…

Thực ra, trong định hướng phát triển bền vững, cùng với việc thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, Bình Dương đã đặt ra mục tiêu tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng, công nghệ sáng tạo… Bởi tỉnh đặt nhiều kỳ vọng việc tăng cao tỷ trọng ngành dịch vụ sẽ tác động trở lại, tạo động lực phát triển công nghiệp.

Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 17,95%/năm, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 15,81%/năm. Hệ thống hạ tầng thương mại dịch vụ không ngừng được đầu tư, nâng cấp; phát triển nhiều loại hình phân phối với sự tham gia của các thương hiệu lớn cả trong và ngoài nước. Ngành du lịch tiếp tục phát triển, hằng năm tăng 5% về lượt khách và 6% về doanh thu; việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Dương đã góp phần hình thành các điểm đến du lịch tỉnh đối với du khách trong nước và quốc tế.

Xuất khẩu tăng bình quân 9,31%/năm; thị trường xuất khẩu không ngừng mở rộng, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng ổn định, phát triển xuất khẩu nhóm hàng công nghệ. Nhập khẩu tăng bình quân 10,86%/năm; chủ yếu là nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Việc phát triển dịch vụ logistics thời gian qua cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu thông phân phối hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 trung tâm logistics đủ khả năng cung cấp dịch vụ cấp độ 3PL (logistics thuê ngoài - dịch vụ logistics được bên thứ ba cung cấp, nhưng đơn lẻ), 4PL (chuỗi logistics, dịch vụ logistics được cung cấp đầy đủ tạo thành một "chuỗi") và phấn đấu đến năm 2025, một số trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (E-logistics - Logistics trên nền thương mại điện tử). Trong đó hiện có 02 ICD (cảng cạn) đang hoạt động là: ICD Sóng Thần với diện tích 50ha và cụm Cảng – Trung tâm Logistics Dĩ An có diện tích 40ha, góp phần hình thành mạng lưới trung tâm logistics hiện đại và chuyên nghiệp, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu phát triển công nghiệp và xuất, nhập khẩu.

Theo các chuyên gia trong ngành logistics đánh giá thì dư địa phát triển của ngành logistics Bình Dương còn lớn. Thị trường tiếp tục phát triển nhờ việc mở rộng hoạt động công nghiệp, thương mại điện tử. Thêm vào đó, các dự án hạ tầng trong vùng cũng như kế hoạch đầu tư của Chính phủ nhằm phát triển hạ tầng logistics đồng bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành logistics phát triển. Việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp sẽ giúp kéo giảm chi phí logistics, trước mắt là khắc phục tình trạng container rỗng để hạ chi phí cho doanh nghiệp.

Ưu tiên phát triển thương mại - dịch vụ thông minh

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Bình Dương hiện đang có rất nhiều dư địa phát triển thương mại – dịch vụ thông minh, nhưng cần tạo ra những đột phá mới.

{keywords}
Việc tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ là điều kiện tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững, từ đó phát huy sức mạnh để hỗ trợ công nghiệp phát triển hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, trong hướng quy hoạch phát triển, Bình Dương hướng đến tạo ra giá trị gia tăng mới, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng. Trước mắt là việc đẩy nhanh kết nối các vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế... từ đó lan tỏa trong vùng và cả khu vực xung quanh.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, Bình Dương dịch chuyển dần sang logistics thông minh, bao gồm các thành phần vận chuyển đường bộ, đường thủy và đường sắt kết hợp. Xây dựng các cảng sông, trung tâm kho vận, trung tâm logistics, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời thực hiện phương châm đưa cảng đến với doanh nghiệp. Theo đó, từng bước giảm vận tải đường bộ, chuyển qua đường thủy và trong tương lai là đường sắt vận tải khối lượng lớn, giảm chất thải ra môi trường, giảm thời gian vận chuyển và giảm chi phí.

Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã và đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư lớn về thương mại - dịch vụ triển khai đúng tiến độ; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương đưa thương mại - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.

Được biết, trong năm nay, tỉnh tiếp tục kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ; phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ - giải trí như siêu thị, cửa hàng tự chọn, khu thể thao... Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics, thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương Bình Dương trong giai đoạn 2021-2025.

Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ cao trong thực tế không chỉ tạo diện mạo mới cho Bình Dương mà còn là điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển theo hướng gắn kết công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Minh Vân