Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, quá trình phát triển kinh tế Bình Dương luôn quan tâm đến kết nối vùng.

{keywords}
Bình Dương trở thành một trong bốn trụ cột không thể thiếu của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Từ thế mạnh phát triển công nghiệp, là vùng sản xuất của cả nước, tỉnh Bình Dương đang chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, kết hợp giữa phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ chất lượng cao, gắn với xây dựng "thành phố thông minh". Sau gần 20 năm, Bình Dương trở thành một trong bốn trụ cột không thể thiếu của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Để đạt kết quả này, Bình Dương đã đột phá xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, mà giao thông là yếu tố làm đòn bẩy phát triển.

Thời gian qua, Bình Dương đã chủ động hợp tác với các địa phương lân cận, đồng thời nghiên cứu, tìm các giải pháp mới để đầu tư hạ tầng giao thông, qua đó tạo kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng, hình thành nên những KCN, tạo động lực thu hút đầu tư đã đưa kinh tế Bình Dương chuyển dịch mạnh mẽ.

Để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, phát triển hệ thống giao thông là mũi đột phá quan trọng nhất từ nay đến năm 2020. Theo đó, Bình Dương phát triển hệ thống giao thông hiện đại kết nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành; kết nối với cụm cảng biển Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác trong vùng Đông Nam Bộ sẽ được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, giao thông phải liên kết với các trung tâm đô thị trong vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam như: TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Xoài (Bình Phước), Tây Ninh, Tân An (Long An), Mỹ Tho (Tiền Giang), với các trung tâm đô thị Bình Dương là Thủ Dầu Một, Nam Bến Cát, Nam Tân Uyên theo các trục hướng tâm và xuyên tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng chia sẻ, tỉnh Bình Dương đã phát huy tính chủ động trong đầu tư giao thông kết nối với các địa phương lân cận, làm cầu từ Bình Dương qua Tây Ninh, đang chuẩn bị xây dựng cầu nối với Ðồng Nai. Với TP Hồ Chí Minh, thành phố làm cầu Phú Long, nối quận 12 với TP Thuận An, còn Bình Dương làm cầu Phú Cường nối TP Thủ Dầu Một với huyện Củ Chi; hai cầu này trong nhiều năm qua vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hai địa phương, vừa góp phần kết nối vùng thuận lợi.

Bên cạnh đó, những tuyến đường như vành đai 3, vành đai 4 được T.Ư quy hoạch, tỉnh đã chủ động làm trước đoạn đi qua địa bàn. Ði trước đón đầu, tỉnh Bình Dương còn mở đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến huyện Bàu Bàng, kết nối và đi ngang qua tất cả 29 KCN đang hoạt động của tỉnh, giúp hàng hóa của địa phương cũng như các nơi vận chuyển đến cảng Cát Lái, Cái Mép nhanh chóng và thuận lợi. Mới đây, hai tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai đã thống nhất làm cầu Bạch Ðằng 2 bắc qua sông Ðồng Nai, kết nối thị xã Tân Uyên (Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (Ðồng Nai).

{keywords}
Quốc lộ 13 mở rộng thành công, được ví như “trục xương sống” để Bình Dương vừa kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố

Mới đây,Tuyến đường Mỹ Phước - Bàu Bàng dài 6,8 km, đã kết nối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn tại thị xã Bến Cát, thông suốt từ huyện Bàu Bàng đến quốc lộ 1 dài hơn 37 km. Công trình có chiều dài 62 km, sáu làn xe, nối TP Hồ Chí Minh đến Bình Phước, kết nối quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện nay), đã tạo động lực cho Bình Dương cùng các tỉnh miền Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển.

Quốc lộ 13 mở rộng thành công, được ví như “trục xương sống” để Bình Dương vừa kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố. Từ quốc lộ 13, các tuyến đường khác tiếp tục hình thành, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh, đánh thức các vùng đất thuần nông như Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên có điều kiện phát triển mạnh các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng thông tin thêm, tỉnh đang nghiên cứu, tính toán phương thức kết nối vùng trong thời gian sắp tới, hướng đến phát triển đường thủy nội địa nhằm giảm áp lực cho đường bộ. Các doanh nghiệp trên địa bàn mong muốn tỉnh nhanh chóng đầu tư tuyến vận tải thủy kết nối với TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.

Cùng với giao thông, phát triển đô thị là vấn đề Bình Dương quan tâm thực hiện hàng đầu. Theo Quyết định Quy hoạch về Bình Dương và Quyết định Quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía nam của Chính phủ, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020; là đô thị văn minh, hiện đại, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng chung quanh. Chuẩn bị cho quá trình này, Bình Dương đã được Chính phủ cho quy hoạch và xây dựng Thành phố mới Bình Dương (TPM) có quy mô 1.000 ha nằm trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị rộng 4.196 ha. Đây là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của thành phố thuộc Trung ương trong tương lai với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Thu Thủy