Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Tiếp nối Đề án TPTM, tỉnh Bình Dương đang hình thành ý tưởng xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương" - trọng tâm trong xây dựng TPTM giai đoạn tiếp theo. 

Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển trên thế giới về vùng đổi mới sáng tạo như Deajeon - Daedeok Innopolis (Hàn Quốc), Brainport Eindhoven (Hà Lan)… Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region" là một mô hình hoàn toàn mới, mang tính sáng tạo cao, phù hợp với thực tiễn của Bình Dương, có vận dụng và đúc kết từ những thành tựu của các vùng đổi mới sáng tạo. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong xây dựng TPTM Bình Dương cho giai đoạn tiếp theo, mang tính đột phá tích hợp gồm TP.Thủ Dầu Một, trong đó Thành phố mới là khu đô thị trung tâm; Khu công nghiệp khoa học - công nghệ tại huyện Bàu Bàng với vị trí khu làm việc và khu đô thị; giao thông công cộng, logistics...

{keywords}
Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thành phố mới Bình Dương tạo thuận lợi cho dự án KCN KHCN ở Bàu Bàng phát triển.

Bên cạnh đó, một nhân tố không thể thiếu được trong "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương" là việc hình thành Khu công nghiệp khoa học-công nghệ được quy hoạch tại huyện Bàu Bàng để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức, vừa đóng vai trò tiên phong cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, ít thâm dụng lao động vừa phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị tăng cao; vừa tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học, xây dựng môi trường sống tốt cho chuyên gia, tăng năng suất lao động, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy, xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững, giúp tỉnh Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới… Từ đó giúp tỉnh nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam tin tưởng, với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh, đặc biệt từ những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án TPTM thời gian qua, Bình Dương hoàn toàn có thể hướng tới và phấn đấu tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương".

Quyết tâm tập hợp nhiều nguồn lực trong và ngoài nước

Sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ nhiệt tình của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hà Lan, Đề án TPTM Bình Dương đã ra đời và gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế trong suốt thời gian triển khai xây dựng TPTM Bình Dương.

Từ mô hình TPTM của Eindhoven (Hà Lan), Bình Dương tiếp cận xây dựng TPTM theo cách phù hợp với đặc điểm hệ sinh thái năng động, sáng tạo của Bình Dương. Dựa trên mô hình "Ba nhà" gồm Nhà nước - Nhà trường và nhà doanh nghiệp đã triển khai rất thành công tại thành phố Eindhovend (Hà Lan), Đề án TPTM đã khẳng định được hướng đi chiến lược của Bình Dương trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành TPTM Bình Dương cho biết, việc xây dựng TPTM không chỉ riêng của Nhà nước mà là của cả nhà trường, các doanh nghiệp và cả người dân Bình Dương. Tỉnh xây dựng Đề án cũng nhằm mục đích thực hiện các chương trình đột phá của Tỉnh ủy với mục tiêu đặt ra nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để đạt được mục tiêu đó, trong Đề án có nêu lên các giải pháp trọng tâm phải triển khai thực hiện. Với cách tiếp cận này, Bình Dương được đánh giá cao từ phía các đối tác Hà Lan, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

Đề án TPTM Bình Dương thể hiện quyết tâm tập hợp nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu trong thế kỷ XXI, vươn tới nền kinh tế dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, tạo hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, có khả năng thích ứng với những biến chuyển của thế giới, từng bước hướng đến đô thị thông minh, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp.

Đề án đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy kết nối, hợp tác làm phương châm để phát triển. Đề án TPTM Bình Dương xác định 46 chương trình hành động cụ thể trong 4 lĩnh vực: "Con người", "công nghệ", "doanh nghiệp" và "các yếu tố nền tảng". Các hành động cụ thể sẽ được linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm, dựa trên khung sườn định hướng chung của Đề án. Đề án cũng quy hoạch Vùng thông minh Bình Dương bao gồm toàn bộ khu vực phía Nam của tỉnh, trong đó khu vực "Thành phố mới" thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ là hạt nhân, phát triển có trọng tâm, từng bước tạo hiệu ứng lan tỏa.

Học tập từ Eindhoven (Hà Lan), Đề án cũng đã xác định từng bước hình thành mô hình "Ba nhà", đẩy mạnh hợp tác giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các viện trường trong tỉnh, đồng thời liên kết linh động với các vùng khác và quốc tế. Trong mối quan hệ này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, hiệu quả của doanh nghiệp và các viện trường. Các bên liên quan trong hợp tác "Ba nhà" sẽ cùng đóng góp vào tiến trình chung thông qua việc cùng chia sẻ những mối quan tâm, kiến thức, tư tưởng, tầm nhìn, hành động cụ thể cho sự phát triển trong tương lai.

Nguyễn Liên