Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ có vùng lãnh hải rộng 52 nghìn km². Đây là một trong ba ngư trường lớn của Việt Nam có trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản đạt lớn với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã tích cực triển khai các hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Nhằm tiếp tục khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống khai thác IUU địa bàn tỉnh, nỗ lực cùng cả nước quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” của EC, ngày 12/12/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi các đơn vị về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản IUU trên địa bàn tỉnh.
Tại văn bản này, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí, UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển và các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về nỗ lực chống khai thác IUU của cả nước nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật chống khai thác IUU cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong hoạt động thủy sản, phòng, chống khai thác IUU.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài chính rà soát nguồn lực, kinh phí phục vụ chống khai thác IUU; đảm bảo bố trí cán bộ đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ tham gia tại các bộ phận có liên quan đến công tác quản lý, kiểm soát tàu cá, chống khai thác IUU và đảm bảo nguồn kinh phí cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU; Nghiên cứu, triển khai cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề, đào tạo nghề và hỗ trợ sinh kế cho ngư dân tự nguyện không tham gia hoạt động khai thác thủy sản hoặc tàu cá không còn đủ điều kiện theo quy định; Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương (cấp huyện, cấp xã) kiểm tra, rà soát toàn bộ tàu cá đã đăng ký, đăng kiểm nhưng chưa có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, chìm đắm, chưa lắp đặt thiết bị VMS,..; tổ chức làm việc, trực tiếp hướng dẫn chủ tàu thực hiện các thủ tục về đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, xóa đăng ký theo quy định; đảm bảo 100% tàu cá đủ điều kiện được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề các quốc gia (VNFISHBASE); lập danh sách theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá tàu cá không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; Kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra vào cảng, tàu cá hoạt động trên biển theo đúng quy định; đảm bảo 100% tàu cá đủ điều kiện (đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, thiết bị VMS hoạt động,..) mới cho phép hoạt động khai thác; Theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS; Tổ chức giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo đúng quy định…
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp mạnh nhằm kịp thời ngăn chặn, kiên quyết không để tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với các nhiệm vụ, giải pháp trong tâm như kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; Quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực hiện việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng quy định, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác; Thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính…