Trước vấn nạn mua bán người có những diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tỉnh Bình Thuận đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện công tác phòng chống mua, bán người.
Tỉnh xác định công tác phòng chống mua, bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, trên các lĩnh vực, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu cao nhất là “bảo vệ an ninh con người”, “bảo vệ quyền con người”, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Để thực hiện nhiệm vụ này, cùng với việc thực hiện kế hoạch hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 năm 2024 vừa được ban hành, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng.
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong phòng, chống mua bán người. Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm tình hình, đấu tranh trấn áp, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân.
Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ đề của năm 2024 là “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Công an tỉnh triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án, chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Yêu cầu lực lượng công an mà chủ công là lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; bám sát địa bàn, tăng cường thu thập thông tin trên không gian mạng, phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán người. Khẩn trương điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người và các tội phạm có liên quan. Phối hợp, hưởng ứng thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 138/CP Chính phủ.
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người. Làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài. Tuyên truyền vận động quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, không để các đối tượng lợi dụng hoặc giúp sức, tiếp tay cho tội phạm hoạt động.
Phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử các vụ án điểm nghiêm trọng, được dư luận quan tâm nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người tại địa bàn biên giới biển, hải đảo và các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý.
Các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan... cùng địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người...