“Khổ lắm chú ơi”

Như tìm được nơi trút bỏ nỗi khổ đau đè nén trong lòng bấy lâu, ông Phạm Văn Năm (60 tuổi, quận 12, TP.HCM) thốt lên câu ấy với người đến thăm trong bệnh viện. Trong tích tắc, nước mắt ông trào ra, giọng lạc đi.

Phòng bệnh im bặt, dồn ánh mắt về phía người đàn ông khắc khổ, đang ôm mặt khóc rưng rức. Không ai tỏ ra bất ngờ trước cảnh người đàn ông khóc, điều vốn được xem là hiếm hoi xưa nay. Tất cả đều biết lúc này, trái tim ông đang vụn vỡ, nỗi đau tinh thần của ông đã chạm giới hạn.

Suốt gần 1 năm qua, ông Năm một mình vào bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP.HCM) chăm sóc cậu con trai 23 tuổi. Sau khi gặp tai nạn, cậu bị thương nặng, ảnh hưởng đến thần kinh, phải nằm liệt giường.

W-nuoc-mat-dan-ong-3.png
Điều ông Năm đau lòng nhất là không biết đến bao giờ con mới bình phục, lấy đâu ra tiền để chạy chữa cho con

Tại đây, ông như quay ngược thời gian, trở về thời điểm lần đầu được làm cha. Mỗi ngày, ông ẵm bồng, thay tã, tắm rửa, pha sữa, bón cháo, châm nước… cho con trai.

Thế nhưng bây giờ, ông không được làm những công việc ấy trong niềm hạnh phúc, sướng vui nữa. Thay vào đó, ông thực hiện chúng trong tâm thế bất đắc dĩ, khổ đau, mệt mỏi trăm bề.

Sau khi lấy lại bình tĩnh, ông tâm sự: “Nó 23 tuổi, tôi nay 60 rồi nhưng ngày nào cũng phải ẵm bồng, chăm nó như trẻ sơ sinh. Cực lắm, tủi thân lắm. Nhưng như thế đã là gì.

Điều tôi đau lòng nhất là không biết đến bao giờ con mới bình phục, lấy đâu ra tiền để chạy chữa cho con. Nó chưa nói được, tôi phải nhìn mặt, xem cử chỉ của nó để đoán biết con cần gì mà xử lý cho kịp. Mỗi khi thấy nó nhìn mình, lòng tôi đau như cắt, nước mắt cứ thế tuôn ra”.

Từ ngày con đau bệnh, ông Năm cũng như người mất hồn. Ông nhớ nhớ quên quên, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến việc phải làm sao để chạy chữa cho con.

Thế nên dẫu đường từ căng tin đến giường bệnh của con chỉ vài trăm mét, ông vẫn đi lạc đến mấy lần. Ngày nào cũng tự an ủi, động viên mình giữ vững tinh thần, kìm nén nỗi đau khiến ông già đi trông thấy.

nuoc-mat-dan-ong-2.jpg
Khi có người chia sẻ, ông bật khóc thành tiếng 

Nhắc đến chuyện mình già đi, ông lại sụt sùi. Ông không tiếc những tháng ngày còn lại của mình. Ông chỉ sợ không đủ thời gian để chăm sóc, đợi đến ngày con hồi phục. Bởi, ông nghe bác sĩ nói, để con phục hồi hệ thần kinh có thể sẽ mất từ 3-4 năm, thậm chí 20 năm.

“Tôi đủ sức chăm con nhưng tinh thần gần như kiệt quệ rồi. Nỗi lo kinh tế cùng việc sức khỏe con không tiến triển khiến tôi sống mà như đã chết. Cảm giác không biết phải làm sao để vượt qua khó khăn khiến tôi khổ tâm vô cùng”, ông chia sẻ.

“Mình là đàn ông, mình gánh hết”

Trời chiều bỗng nhiên nổi gió. Chiếc khăn mỏng che phần cơ thể của con trai ông Năm tốc lên. Ông vội lau nước mắt, chạy vào nhặt lên, che lại cho con.

Bất chợt, ông thấy con trai mở mắt nhìn mình. Đoán con khát nước, ông cầm một đầu đoạn ống được gắn vào mũi con lên rồi cẩn thận rót nước vào. Mỗi ngày, ông đều cho con ăn cháo, uống sữa, nước như thế.

Ông Năm nhớ vụ tai nạn xảy ra đúng thời điểm con trai ông tỉnh ngộ, quyết định tu chí làm ăn sau thời gian bỏ học giữa chừng. Nhớ lại lời con xin lỗi, hứa với mình sẽ không để người đời gọi là kẻ thất học, ông càng xót xa.

Nước mắt ông lại trào ra khi nói rằng mình chưa kịp tận hưởng niềm vui con trưởng thành đã suýt đối diện cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Tình yêu thương của một người cha trong ông bây giờ hóa thành nỗi đau không cách nào vơi cạn.

Ông không cam tâm nhìn con chỉ có thể nằm, ăn uống, thở thông qua một đoạn ống nhưng chẳng thể làm gì. Ông đau đớn khi nghĩ đến việc phải đưa con về nhà vì không còn tiền để chữa trị…

W-nuoc-mat-dan-ong.jpg
Mỗi ngày, ông Năm đều cẩn thận cho con ăn uống thông qua đường ống

Thế rồi áp lực trụ cột gia đình, đàn ông khiến ông cố đè nén, gói ghém tất cả những buồn khổ ấy vào lòng. Dù mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần đến cùng cực, ông cũng quyết không cho vợ vào viện chăm con.

Lý do rất đơn giản. Ông không muốn bà chứng kiến, chịu đựng những nỗi đau tinh thần mà mình đang hứng chịu từng ngày khi chăm con bệnh. Thế nên suốt gần 1 năm qua, chỉ mình ông đêm nằm dưới gầm giường bệnh, ngày tất tả chăm con.

Lâu lâu, thương vợ nhớ con, ông mới đồng ý cho bà vào viện thăm chồng con vài phút. 

Ông nói: “Tôi giấu những giọt nước mắt vào lòng, không bao giờ khóc cũng như không bao giờ thể hiện sự mềm yếu trước mặt vợ. Tôi sợ bà ấy thấy mình như thế sẽ thêm lo âu rồi suy sụp tinh thần.

Tôi là đàn ông còn chịu không nổi những mệt mỏi, khổ đau này huống hồ là phụ nữ. Thế nên tôi không cho vợ vào viện chăm con thường xuyên. Thôi thì mình là đàn ông, mình phải gánh vác hết”.

Bạn đọc có lòng hảo tâm ủng hộ gia đình ông Năm vui lòng xem thông tin tại đây.