- Chính sách "không biên chế trong giáo dục” sẽ là một cú hích để tạo sự thay đổi nhưng chỉ hiệu quả khi thực hiện đồng bộ cơ chế dân chủ, minh bạch, người dân được bầu lãnh đạo và điều quan trọng là có chế độ thu nhập thỏa đáng cho giáo viên.
Ý tưởng thí điểm cơ chế tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực "bỏ biên chế giáo dục" đang gây sự quan tâm lớn của dư luận.VietNamNet ghi nhận ý kiến của các bên liên quan.
TS Giáo dục Trần Thị Bích Liễu (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội): Cần thay đổi cơ chế bầu hiệu trưởng
Chính sách "không biên chế trong giáo dục” sẽ là một cú hích để tạo sự thay đổi khi nền kinh tế vận hành theo qui luật của thị trường. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo sợ sự lạm quyền của hiệu trưởng. Điều đó khó xảy ra nếu như giải quyết những vấn đề sau:
1.Hiệu trưởng cũng sẽ phải là người của dân bầu theo những tiêu chí nhất định của tâm, tầm tài, được tiến hành hàng năm cùng với việc xem xét để giữ hay không giữ giáo viên lại chứ không phải là tiến cử từ trên xuống? Có như vậy mới công bằng với việc thi hành chính sách không biên chế đối với giáo viên.
Nhiều giáo viên bày tỏ sự lo lắng khi có thông tin về bỏ biên chế trong ngành giáo dục. Ảnh: Hạ Anh |
2. Có chuẩn để đánh giá giáo viên, bằng nhiều nguồn và bằng nhiều minh chứng. Hiệu trưởng không thể vì thù hằn cá nhân hay do không ưa một giáo viên nào đó mà bằng một lệnh như một cú nhấp chuột để “xóa”. Chẳng hạn, hiệu trưởng cần có minh chứng từ các giờ dạy được đánh giá theo bảng tiêu chí, có quay video, nhiều giáo viên khác cùng tham dự... và phải được đánh giá qua một số giờ chứ không phải chỉ 1-2 giờ.
3.Không phải một mình hiệu trưởng quyết mà phải có cả một tập thể (đương nhiên ở VN hay có đoạn tuân thủ chỉ đạo của cấp trên mà thiếu đi sự khách quan và tôn trọng sự trung thực) trong đó có cả HS và phụ huynh HS.
4. Hiệu trưởng giỏi sẽ bồi dưỡng, phát triển giáo viên để xây dựng đội ngũ tạo sức mạnh và uy tín cho nhà trường, chứ không phải dùng chính sách “không biên chế" để thanh trừng nội bộ. Tin chắc chỉ có những hiệu trưởng tiểu nhân mới làm như vậy. Mà nếu có kiểu hiệu trưởng này thì sai lầm là do cấp trên bổ nhiệm xuống - do chế độ thiếu dân chủ khi bổ nhiệm hiệu trưởng.5. Nếu một trường học mà có quá nhiều biến động về giáo viên thì hãy xem lại năng lực của hiệu trưởng và cần bãi nhiệm ngay, nếu không sẽ tạo sự hỗn độn, bất mãn trong ngành giáo dục.
Và cuối cùng, ngành giáo dục nên giải quyết vấn đề có tính hệ thống.
Cô giáo Lê Thị Ngọc, giáo viên tại tỉnh Bình Dương: Coi chừng phát sinh tiêu cực lớnTôi nghĩ điều này ít nhiều sẽ giúp cho nền giáo dục trở nên năng động hơn. Tuy nhiên, điều tôi và đồng nghiệp lo ngại nhất là ai sẽ có quyền quyết ký hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng với giáo viên.
Phải chắc rằng tìm được người ngoài năng lực thật sự còn phải công bằng, khách quan, bởi chả ai có thể kiểm soát việc tuồn người có quan hệ vào. Nếu không, thì đây sẽ là cơ hội phát sinh tiêu cực rất lớn. Bởi có thể giáo viên giỏi nhưng không được lòng sếp hoàn toàn có thể bị cắt hợp đồng bất cứ lúc nào, còn những người có mối quan hệ lại được trọng dụng.
Thầy Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt: Đừng để giáo viên lo lắng
Để thực hiện được vấn đề này cần phải thay đổi tư duy cá nhân và có hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện cùng với việc thực hiện tự chủ về tài chính, tuyển dụng của đơn vị sự nghiệp.
Nếu chưa có hành lang pháp lý cụ thể mà thực hiện bỏ biên chế sẽ chỉ làm giáo viên thêm lo lắng.
Theo xu hướng, về lâu dài nhà nước không thể đứng ra quan lý tất cả các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp nhà nước mà chỉ thiết lập luật chơi và cách chơi.
Tôi nghĩ việc bỏ biên chế là hướng tốt và phải làm. Chỉ có cạnh tranh mới có chế độ đãi ngộ tương xứng vì bản chất của vấn đề giáo dục là trao đổi giá trị vừa xoá được bao cấp và cào bằng.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT): Cần đồng bộ cả cơ chế dân chủ và minh bạch
Chúng ta ở trong tư duy thời bao cấp quá lâu rồi nên vẫn có tâm lý nghĩ biên chế là công và công thì bao giờ cũng hơn tư. Tuy nhiên, đối với giáo viên thì biên chế hay không cuối cùng vẫn là công việc ổn định, thu nhập tốt, môi trường làm việc dân chủ, phát huy được khả năng.
Hiện nay, lương của giáo viên được trả theo công thức chung, thành phố cũng như nông thôn, không gắn với mặt bằng giá sinh hoạt dẫn đến giáo viên buộc phải xoay sở hoặc thiếu động lực làm việc.
Nhiều người trông vào biên chế chỉ là danh nghĩa, thực ra là nghĩ đến những khoản thu nhập khác như dạy thêm để tăng thu nhập. Điều này cũng dẫn đến những tiêu cực trong khâu tuyển dụng giáo viên.
Vì vậy, việc chuyển sang chế độ hợp đồng có thể tạo ra sức ép nhất định để các giáo viên có động lực, thay vì chỉ cố vào được biên chế rồi thả lỏng.
Tuy nhiên, cũng phải tính đến các giải pháp đồng bộ, dân chủ hóa và minh bạch hóa để có cơ chế giám sát. Đặc biệt là cơ quan quản lý phải nghiêm minh trong vấn đề xử lý các vi phạm.
Nhà nước có thể quản lý giáo viên bằng chứng chỉ hành nghề. Ở đâu cung vượt quá cầu thì có thể trả lương thấp, ở đâu cầu vượt quá cung thì mức lương có thể cao. Chẳng hạn như giáo viên lên vùng cao thì nhà nước có thể bù phần nào đó vào lương.
Sự cạnh tranh bằng năng lực cũng sẽ làm bớt các khâu trung gian làm tốn chi phí và dễ nảy sinh tiêu cực. Có thể tiêu cực sẽ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, nhiều người lo lắng về quyền của hiệu trưởng nhưng sẽ có cơ chế kiểm soát nếu phát huy được tính dân chủ và xử lý nghiêm.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT: Môi trường thiếu cạnh tranh, thiếu dân chủ sẽ kìm hãm sự phát triển
Việc bỏ biên chế trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục là chủ trương đã có từ lâu: Đã có các Nghị quyết về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trong đó gồm các tổ chức giáo dục, y tế, khoa học công nghệ…
Theo đó, đã có lộ trình đến 2020, tất cả tổ chức mang tính chất sự nghiệp trong từng lĩnh vực một trừ những trường hợp được phê duyệt đặc biệt nói chung phải chuyển sang cơ chế tự chủ hoạt động theo cơ chế thị trường.
Với cơ chế này, các đơn vị giáo dục nói chung vẫn là tổ chức sự nghiệp nhưng hoạt động tự chủ trong đó tự chủ tương đối về tài chính nhưng quan trọng là tự chủ về cán bộ, nhân sự.
Hiện nay nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa công chức và viên chức. Giáo viên trong các trường về nguyên tắc là viên chức. Mà viên chức cũng có hợp đồng làm việc và hợp đồng này thì không khác nhiều so với hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn hiểu biên chế như một cái gì đảm bảo cho công việc suốt đời, dẫn đến tâm lý là mặc dù lương thấp nhưng chấp nhận vì công việc ổn định, hiểu theo nghĩa người ta đuổi việc mình không dễ. Điều này đẫn đến việc nhiều người bỏ rất nhiều tiên để xin một suất viên chức.
Để thích ứng với nhiều thay đổi trong giáo dục, các giáo viên liên tục phải tập huấn nhiều chương trình mới. Ảnh: Hạ Anh |
Ai cũng quan tâm tới chuyện đổi mới nhưng bằng lòng với việc mình ở trong hệ thống giả sử mình có kém thì người ta cũng không đuổi được mình.
Trong khi đó thì luật hiện nay đã thay đổi hết rồi. Viên chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì vẫn có quyền cho nghỉ việc.
Nhiều người băn khoăn nếu mở rộng chính sách liên quan tới viên chức thì hiệu trưởng có nhiều quyền, có thể đuổi mình bất cứ lúc nào.
Thực ra, kể là hợp đồng lao động thì cũng quy định rất chặt chẽ không phải muốn đuổi việc lúc nào là được. Muốn kỷ luật ở mức đuổi việc một lao động thì cũng phải có hội đồng kỷ luật với sự tham gia của cán bộ công đoàn, rồi xem xét các lần vi phạm mức độ như thế nào, xử lý ra sao… Vì vậy, về nguyên tắc thì người lao động vẫn được bảo vệ ít nhất là như luật Lao động hiện nay.
Bên cạnh đó, nếu vận dụng theo cơ chế thị trường thì ngay cả trường hợp đuổi việc dễ thì nhận vào cũng dễ, nó sẽ tạo thành vòng quay cung cầu. Chỗ này có người đi thì nhận người ở chỗ kia vào.
Còn phản ứng lo lắng hiện nay thực chất là phản ứng của việc chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa sang cơ chế thị trường. Việc chuyển đổi này bao giờ cũng là một bước ngoặt và gây sốc đối với những người đã quen với cơ chế kế hoạch hóa rồi. Nếu được biểu quyết, nhiều người chắc chắn sẽ chấp nhận lương thấp, môi trường làm việc thiếu dân chủ, cạnh tranh nhưng ổn định. Tuy nhiên, điều này sẽ kìm hãm sự phát triển.
Một vấn đề quan trọng nữa là khi chuyển đổi thì chính sách đi kèm sẽ như thế nào để giải quyết cho những người có khả năng mất việc làm. Các nước khác làm tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp khi thôi việc, chế độ nghỉ hưu sớm… Tôi nghĩ rằng, khi nhà nước triển khai chủ trương cũng phải có chính sách kèm theo chứ không thể không có được.
- Nhóm phóng viên