Không chỉ dôi dư Vụ trưởng, Cục trưởng mà số lượng cấp phó và công chức của những đơn vị sáp nhập ở Bộ Công Thương cũng sẽ dôi dư.

Bộ Công Thương đang tiên phong sắp xếp, thu hẹp các Vụ, Cục, Viện để giảm sự cồng kềnh của bộ máy. Dự kiến đợt sắp xếp này sẽ giúp Bộ Công Thương giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối. Lãnh đạo các vụ, cục hiện tại sẽ ra sao sau sáp nhập; giải quyết lãnh đạo dôi dư như thế nào là điều Bộ Công Thương đã tính đến.

Trả lời PV.VietNamNet ngay sau khi chủ trương tinh giản bộ máy được tiết lộ, lãnh đạo Bộ cho hay: Mục tiêu của việc giảm đầu mối Cục, Vụ, Viện là để cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tránh cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị. 

{keywords}

Việc sáp nhập này chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng dôi dư cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại một số đơn vị, kể cả các cán bộ lãnh đạo vụ, cục.

Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận, không chỉ dôi dư Vụ trưởng, Cục trưởng mà số lượng cấp phó và công chức của những đơn vị sáp nhập này cũng sẽ thừa ra.

Do đó, Bộ này dự kiến sẽ bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Bởi hiện tại, một số đơn vị sự nghiệp còn thiếu lãnh đạo cấp phó so với quy định, hoặc có lãnh đạo cấp trưởng chuẩn bị nghỉ hưu.

“Nếu trước đây là cấp trưởng mà nay giữ chức vụ cấp phó sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định”, đại diện bộ này cho biết.

Ngoài ra, số lãnh đạo dôi dư có thể là nguồn bổ sung, thay thế những công chức lãnh đạo chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm Tham tán/Tùy viên trong các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Đối với những lãnh đạo có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng được yêu cầu điều hành doanh nghiệp, Bộ Công Thương dự kiến bổ nhiệm/cử giữ các chức vụ lãnh đạo hoặc người đại diện tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.

Liệu có tình trạng sau sáp nhập một vụ có 2-3 vụ trưởng và nhiều cấp phó như xảy ra ở một bộ nọ sau sắp xếp hay không, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Chắc chắn không có. Số lượng lãnh đạo đơn vị sẽ thực hiện theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015.

Đối với công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau sáp nhập, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ cho hay, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện để họ tìm việc làm mới trong các doanh nghiệp nếu họ đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đặc biệt, trường hợp cán bộ, người lao động có năng lực trình độ yếu kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ thực hiện giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

“Bộ Nội vụ cũng đã giao chỉ tiêu biên chế năm 2017 của Bộ Công Thương, theo đó số lượng biên chế năm 2017 giảm so với năm 2016 (khoảng 1,5%). Bộ Công Thương sẽ sắp xếp để đảm bảo số lượng biên chế theo chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao”, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho biết.

...

Bộ Công Thương dự kiến giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối bằng cách sáp nhập nhiều vụ, cục, viện vào với nhau. Số đơn vị sau khi sắp xếp lại giảm 7 đơn vị so với hiện tại.

Cụ thể, Tổng cục Năng lượng dự kiến tách thành một cục và 2 vụ; Còn Vụ Thị trường thương mại Miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp.

Ngoài ra, Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp; Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước đây tách ra từ Vụ tổ chức ), nay nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam ( trước kia là văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại TP.HCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ,...

Ngoài ra, 2 viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Thương mại và Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp nhập thành một Viện.

Lương Bằng