Hỗ trợ đồng bào thoát nghèo 

Là hộ nghèo của bản Sân Bay xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, chị Sùng Thị Sinh được cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) hỗ trợ kỹ thuật trồng và phát triển cây chè. Với diện tích 4.000m2 chè, được các chiến sĩ hướng dẫn kỹ thuật đã giúp lượng chè thu hoạch ổn định hơn, giá bán cao hơn.

Hiện Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ quản lý 3 xã (Sin Suối Hồ, Bản Lang và Nậm Xe) với chiều dài đường biên giới hơn 9km. Hằng năm, lực lượng biên phòng của Đồn đều về bản giúp đỡ bà con trồng cây, chăm sóc cây trồng vật nuôi phòng chống sâu bệnh.

Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai nhiều mô hình, hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Xây dựng các mô hình kinh tế như trồng sả lấy tinh dầu tại bản Hà Xi, chăn nuôi bò tại bản Mu Chi, Tân Biên xã Pa U, huyện Mường Tè, mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Pa Vây Sử, Mồ Sì San, mô hình HTX Biên cương bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ tại xã Mồ Sì San … Các chiến sĩ còn hỗ trợ ngày công lao động trong các hoạt động xây nhà, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

bien phong.png
Lực lượng biên phòng hỗ trợ bà con tại Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Dương Huân.

Toàn tỉnh Lai Châu có 22 xã biên giới thuộc 4 huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè với 198 chi, tổ phụ nữ, gần 13 nghìn hội viên. Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương không chỉ giúp chị em phụ nữ thoát nghèo, đời sống nâng cao hơn mà qua đó còn lồng ghép các mục tiêu tuyên truyền giáo dục cho phụ nữ các xã biên giới nâng cao nhận thức, hiểu biết và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình…

Các giải pháp linh hoạt

Lai Châu là tỉnh miền núi với hơn 260km đường biên giới phía Tây Bắc giáp với Trung Quốc. Địa hình núi hiểm trở, sông suối chia cắt. Hạ tầng chưa phát triển đi lại khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu luôn phối hợp với các cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, gắn với an ninh biên giới, đảm bảo quốc phòng toàn dân. Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc quốc gia. Xây dựng nền tảng chính trị địa bàn vững mạnh, tạo quan hệ hữu nghị hợp tác, hòa bình cùng phát triển.

Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu đã thực hiện sát sao các giải pháp đảm bảo an ninh biên giới như: Chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác biên phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, địa phương và toàn dân xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Tham mưu, đề xuất với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ưu tiên triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các huyện biên giới gắn với tổ chức quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định lại dân cư, đảm bảo cho đồng bào định canh, định cư ổn định lâu dài. Trước mắt, tập trung nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả và phối hợp cùng cấp ủy đồng hành cùng bà con nhân dân tại địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên còn tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh biên giới nhiều mô hình như tham gia phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc; chương trình kết hợp quân dân y khám chữa bệnh miễn phí cho người dân trên địa bàn, tham gia chương trình giảm nghèo về thông tin, phát triển văn hóa cơ sở thúc đẩy phát triển các dự án kinh tế gắn với an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

Nguyễn Thị Phương Thúy, Hà Quốc Tiến, Nguyễn Đăng Tấn