Địa bàn xã Môn Sơn có 535 hộ dân người Đan Lai sinh sống, trong đó, 100% là hộ nghèo. Để giúp người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã khảo sát, lập kế hoạch xây dựng các mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế.

{keywords}
Bộ đội biên phòng Nghệ An xây dựng các mô hình giúp bà con Đan Lai giảm nghèo. 

Hiện nay, trong khu vườn của gia đình bà trồng đủ các loại cây rau màu, như dưa chuột, cà, sắn... Cùng với đó, được sự hỗ trợ con giống và kỹ thuật của cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn, gia đình bà Nguyệt đã phát triển chăn nuôi lợn, bò. Việc làm đất, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gia đình bà Nguyệt đều nhận được sự tư vấn, giúp đỡ tận tình, chu đáo của cán bộ Biên phòng. Gia đình bà La Thị Nguyệt, là một trong 36 hộ dân thuộc người dân tộc thiểu số Đan Lai thực hiện tái định cư ở bản Cửa Rào và Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Sau nhiều năm ra định cư tại nơi ở mới, với sự nỗ lực của gia đình và sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn, gia đình bà Nguyệt đã có một cơ ngơi mà nhiều người Đan Lai mơ ước.

Tới nay, gia đình bà Nguyệt có 4 con bò, 1 con trâu, 5 con lợn và hàng trăm con ngan, gà, vịt... Hằng năm, từ chăn nuôi, gia đình bà thu nhập trên 20 triệu đồng.

Thành công từ mô hình phát triển kinh tế của bà Nguyệt, Đồn Biên phòng Môn Sơn tiếp tục giúp người dân trên địa bàn triển khai các mô hình chăn nuôi, điển hình như mô hình “Trồng rau sạch, kết hợp với chăn nuôi” cho gia đình anh La Văn Dũng, sinh năm 2000, ở bản Tân Sơn, xã Môn Sơn.

Để triển khai mô hình này, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống tận nhà để lựa chọn vị trí, hỗ trợ khai thác nguyên vật liệu xây dựng chuồng chăn nuôi, khai hoang đất vườn và hỗ trợ con giống ban đầu để gia đình phát triển chăn nuôi, kết hợp trồng rau sạch trong vườn nhà.

Với đồng bào vùng cao, những mô hình mắt thấy, tai nghe ngay tại địa bàn là cơ sở để họ học tập và làm theo, đây cũng là giải pháp đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất. 

Với tinh thần “bám địa bàn, bám người dân” để tuyên truyền, hướng dẫn bà con và “nói cho bà con hiểu, làm cho bà con theo”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn đã trực tiếp giúp hàng chục hộ dân phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Đại úy Nguyễn Cảnh Sỹ, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn chia sẻ: Để giúp đồng bào dân tộc Đan Lai phát triển kinh tế, trước hết, chúng tôi phải tuyên truyền, vận động bà con ủng hộ chủ trương này. Sau đó, anh em trực tiếp làm cho bà con mắt thấy, tai nghe, rồi cầm tay chỉ việc bằng những việc làm cụ thể hằng ngày. Cùng với đó, chúng tôi vận động người dân từ bỏ suy nghĩ trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, tự vươn lên trong làm ăn, phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân và sự giúp đỡ của những người lính mang quân hàm xanh, đời sống của bà con Đan Lai ở xã Môn Sơn đang từng bước được cải thiện.

Thượng tá Lê Văn Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết: “nhận thức việc làm ăn của người Đan Lai vẫn còn manh mún, chưa khoa học, trên cơ sở khảo sát địa bàn và hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình, đơn vị đã lựa chọn các hộ dân có khả năng trong phát triển kinh tế, có nguồn lao động và chăm chỉ làm việc để tiến hành giúp đỡ bằng những việc làm cụ thể. Chỉ huy đơn vị cử cán bộ thường xuyên bám địa bàn để giúp đỡ bà con về ngày công, hướng dẫn người dân sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình. Từ thành công của mô hình cụ thể, đơn vị lấy đó làm cơ sở để nhân rộng ra các gia đình khác trên địa bàn.

Tuấn Anh