Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non diễn ra mới đây, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho hay, theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, quy định trả lương theo vị trí việc làm chứ không trả lương theo bằng cấp.

Vì vậy, trong thông tư sửa đổi các tiêu chuẩn, mã số chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non hiện nay, Bộ GD-ĐT đang sửa quy định thành 3 hạng: hạng 3, hạng 2 và hạng 1 (Ở thông tư cũ là 3 hạng: hạng 4, hạng 3 và hạng 2).

Hạng 3 là trình độ CĐ trở lên, hệ số lương khởi điểm là 2,1.

Hạng 2 là trình độ ĐH trở lên, hệ số lương khởi điểm là 2,34.

Theo ông Tuấn Anh, vậy một giáo viên vừa tốt nghiệp xong, dù bằng ĐH hay bằng CĐ thì đều xếp vào hệ số lương khởi điểm là 2,1.

“Như vậy xếp theo vị trí việc làm chứ không theo bằng cấp. Theo văn bản chỉ đạo từ Chính phủ cũng như Bộ Nội vụ đều thống nhất như vậy. Nhiều lần chúng tôi cũng đã đề xuất để giáo viên được hưởng lương theo bằng cấp, song chưa đạt được điều đó và hiện nay đang xếp theo vị trí việc làm”, ông Tuấn Anh nói.

Về thang bảng lương mới, ông Tuấn Anh cho biết Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT để trình Chính phủ ban hành ra thang bảng lương mới.

“Tinh thần lương mới sẽ không thấp hơn lương cũ. Mặc dù phụ cấp thâm niên không còn, phụ cấp đứng lớp cũng không còn. Lương có 70% là hệ số lương cơ bản, 30% là phụ cấp nghề và 10% là phụ cấp tăng thêm để thủ trưởng các cơ sở có quyền xử lý trong việc thưởng cho những người có thành tích xuất sắc, đột xuất trong quá trình công tác”, ông Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh cho hay, 70% đó là phần cứng và 30% còn lại là dành cho toàn ngành. “Chúng tôi đang dự kiến, với cấp học mầm non, sau quá trình điều tra, khảo sát và thấy rằng đây là cấp học nền, tính chất nghề nghiệp hết sức phức tạp. Do đó, Bộ GD-ĐT đang đề xuất phụ cấp của giáo viên mầm non là 36%, phụ cấp của giáo viên THPT là 29%. Tức tổng toàn bộ không vượt quá 30%. Chúng tôi từng tính ra số tiền lương khi xây dựng dự thảo là với giáo viên mầm non mới ra trường sẽ được khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng”, Ông Tuấn Anh thông tin về nội dung trong Đề án trình Chính phủ. Tuy nhiên, mức phụ cấp ra sao sẽ do Chính phủ phê duyệt.

Bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ?

Ngoài ra, theo ông Tuấn Anh, trong hệ thống văn bản tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT cũng đang sửa theo hướng sẽ không còn yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với hạng giáo viên thấp nhất. “Chúng tôi lấy đầu ra của trường đào tạo khi mà giáo viên đó ra trường, để coi như là đầu vào của hạng giáo viên thấp nhất. Bây giờ chúng tôi không quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đó ở trình độ đào tạo nữa, mà đưa vào tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ.

Theo ông Tuấn Anh, lý do việc sửa đổi này là bởi đã có một thời gian, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất. Không ít giáo viên bằng mọi cách để kiếm được một chứng chỉ đó để đưa vào hồ sơ, làm sao cho hợp lệ. “Sau một thời gian nghiên cứu, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chỉ đạo chúng tôi sửa đổi không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với hạng giáo viên thấp nhất, mà đưa vào tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ”, ông Tuấn Anh nói.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh chia sẻ tại hội nghị.

Cũng liên quan vấn đề này, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng cần tính như thế nào đó để thể hiện đúng đặc thù, tính chất công việc.

“Trong tổng phụ cấp 30% thì cấp học càng thấp thì phụ cấp càng phải nhiều hơn, bởi trách nhiệm càng cao, thì mới khích lệ được các giáo viên. Có thể phụ cấp ở bậc mầm non phải đến 80-90%; ở bậc cao đẳng, đại học chỉ phụ cấp khoảng 10-15% gì đó thôi, nhưng tổng lại vẫn sẽ là 30% của ngành, chứ không phải chia theo kiểu cào bằng”, bà Minh nói.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kết thúc năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non (tăng 2.604), bình quân toàn quốc đạt 1,82 giáo viên/lớp (tăng 0,02 giáo viên/lớp), tỷ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật giáo dục 2019 đạt 73,7%.

Trong đó, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo trình độ đại học sư phạm trở lên đạt 50,7%, tỉ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm là 23,5%, còn 26,3% giáo viên có trình độ trung cấp.

Tỷ lệ giáo viên mầm non được cấp trên đánh giá chuẩn nghề nghiệp đạt 86,8%.

Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT: Nói chương trình SGK lớp 1 nặng là chưa đủ căn cứ

Bộ GD-ĐT: Nói chương trình SGK lớp 1 nặng là chưa đủ căn cứ

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, hiện có một số phụ huynh chia sẻ trên một số diễn đàn, mạng xã hội cho rằng nội dung chương trình lớp 1 mới hơi nặng. Tuy nhiên, nhận định này chưa đủ căn cứ xác đáng.

Hơn 50% giáo viên mầm non công lập có trình độ đại học

Hơn 50% giáo viên mầm non công lập có trình độ đại học

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 29/9.