Trong cuộc họp Chính phủ gần đây, khi bàn về xây dựng luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra “Kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”.
Lợi ích nhóm ở ta thực sự đã đến mức báo động, nó diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực. Trong một bài viết đăng trên Tạp chí cộng sản, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Ban Tuyên giáo Trung ương, đã chỉ ra đâu là lợi ích nhóm và nhóm lợi ích, cảnh báo tình trạng này đã “khá ngang nhiên, nghiêm trọng đến mức báo động”.
Ông cho rằng “Hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng”. “Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành”.
Thời gian qua, một số vụ án nghiêm trọng thất thoát tiền “tấn” của nhà nước lại xảy ra tại chính doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước, mà trong đó nổi lên một vấn đề về khâu bố trí cán bộ. Dư luận đặt câu hỏi có hay không những người quen, con cái, hay người “đằng mình” đã được “xếp ghế”? Phải chăng chính sự “thân hữu” đã khiến chính sách đúng đắn bị méo mó và bị biến dạng?
Ảnh minh họa: Tuoitre.vn |
Gần đây, người ta cũng xôn xao việc một cựu quan chức bị chất vấn liên quan đến chuyện bổ nhiệm con mình vào vị trí sếp doanh nghiệp lớn và đưa sếp tập đoàn (đang thua lỗ) lên vị trí lãnh đạo.
Dư luận cũng đặt câu hỏi về một loạt các dự án không minh bạch trong chọn nhà thầu và vốn. Dự án quốc lộ 51 chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, dư luận đã lên tiếng và Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc. Hay dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, chỉ là nâng cấp nhưng thu phí lại như đường cao tốc mới, khiến người dân bức xúc đặt câu hỏi...
Những hình thức “đi lại” của lợi ích nhóm, và sự chi phối chính sách vô cùng phong phú. Như hiện tượng bố làm chính trị, con cái làm kinh tế, gia đình giàu lên nhanh chóng nhờ “tài kinh doanh” của những người con. Thật ra, đằng sau đó là vị trí lãnh đạo của ông bố đã đưa lại những hợp đồng giá trị, những mối quan hệ làm ăn dễ dàng. Và nguy cơ lớp “con ông” thâu tóm trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước là chuyện có thể xảy ra.
“Nhóm lợi ích” còn tìm cách đưa người của mình vào làm ở những vị trí “đắc địa” có thể ban hành luật, ban phát những dự án, những hợp đồng béo bở. Chạy chức chạy quyền cũng từ đó mà sinh ra, có quyền lực là có tiền, có quyền lực là có dự án. Thế mới có chuyện, có vị lãnh đạo địa phương mới lên đã nhanh chóng giàu đến nỗi người dân mỉa mai: “Phải đến học tập cách làm kinh tế của chủ tịch …”
Chuyện “con ông cháu cha” cũng là hình thức của chủ nghĩa tư bản thân hữu, và khi đó “đúng quy trình” trở thành hình thức biến tướng của chỉ đạo ngầm. Họ câu kết móc ngoặc nhau, chuyển con cái qua nhiều chức vụ, có khi cả những công ty uy tín nhằm “có kinh nghiệm lãnh đạo thực tiễn” hoặc đã có thực tiễn” để đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm cho “đúng quy trình”.
Từ kinh tế sang chính trị, và từ chính trị sẽ có kinh tế chính là sự cấu kết, là bản chất của chủ nghĩa tư bản thân hữu. “Nạn trấn lột mềm” và “cánh hẩu” hiện nay nói như cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp là đáng báo động.
Và Thủ tướng đã rung chuông hẳn cũng vì lẽ đó…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “để xây dựng Chính phủ kiến tạo thì xây dựng thể chế rất quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhà nước quản lý bằng thể chế chính sách để tạo hành lang pháp lý phát triển tốt đẹp, không bị lạm dụng mặt trái của kinh tế thị trường”.
Có thể nói thông điệp “Kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách” là bước đi đúng đắn xóa bỏ đặc quyền đặc lợi của cái gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu, đó là điều cấp bách tạo điều kiện cho đất nước phát triển.
Nguyễn Đăng Tấn
TIN LIÊN QUAN