Suy cho cùng, hạnh phúc là đích đến của đời người. Bằng giỏi, điểm cao, lương khủng, chức to… cũng vô nghĩa nếu con người không còn thấy niềm vui.

Khó sống hạnh phúc

Hồi tưởng lại tuổi thơ của mình, nhiều phụ huynh tặc lưỡi: Xưa thiếu thốn mọi bề thì nuôi con khó, dạy con dễ. Bây giờ vật chất đủ đầy thì nuôi con dễ, dạy con mới khó. Những thế hệ lớn tuổi vẫn cho rằng lớp trẻ bây giờ chẳng thiếu thứ gì, nên không thể hiểu nổi những vụ thanh thiếu niên tự tử chỉ vì những lí do cỏn con.

Thoạt nhìn thì trẻ con ngày nay sung sướng hơn thời xưa thật, ít ra là về vật chất. Nhưng các em có hạnh phúc thật sự không? Cha mẹ, thầy cô luôn nghĩ rằng họ đang làm những điều tốt nhất cho trẻ, nhưng liệu đứa trẻ có hài lòng với điều đó? Nếu được tự do, liệu lựa chọn của chúng có giống với người lớn?

Thật khó trả lời câu hỏi này nếu thiếu những nghiên cứu quy mô. Tuy nhiên, cứ sáng sáng nhìn những cô cậu bé ngái ngủ, uể oải ngồi trên xe ba mẹ đến trường; chiều chiều các bé mẫu giáo ăn vội để kịp đến lớp “luyện thi” vào lớp 1 “trường điểm”; đến tối mịt bóng áo trắng học trò vẫn thấp thoáng trước cổng trường sau giờ học thêm…thì mọi người có thể hình dung phần nào.

{keywords}
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những vướng mắc tâm lý nếu không được giải tỏa trẻ sẽ dễ dẫn đến rối loạn tâm thần, trầm cảm, thậm chí tự tử. Kể cả khi vượt qua được, dấu vết của tuổi thơ thiếu niềm vui sẽ theo các em đến tuổi trưởng thành, khiến các em khó sống hạnh phúc.

Bằng giỏi vô nghĩa nếu không thấy niềm vui

Báo cáo về Hạnh phúc Thế giới năm 2015 của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc dành hẳn chương 06 để bàn về sức khỏe tinh thần của trẻ em bởi tầm quan trọng lớn lao của nó. Hiện trên thế giới có 10% trẻ em đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nghiên cứu ba yếu tố học thuật, hành vi và cảm xúc ở người dưới 18 tuổi, người ta thấy chính cảm xúc có ảnh hưởng lớn nhất đến mức độ hài lòng về cuộc sống của họ khi lớn lên. Còn kết quả học tập lại là yếu tố ít ảnh hưởng nhất.

Ở Việt Nam, giáo dục quá chú trọng thành tích học tập mà chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe tinh thần học đường. Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” giăng khắp nơi, quen thuộc, nhưng liệu các thầy, cô giáo, các nhà trường, với tâm lý thành tích chủ nghĩa, với giờ học căng thẳng, chương trình học nặng nề, học chỉ để thi…, liệu trẻ có thực sự hạnh phúc, có vui như bản chất của khẩu hiệu này?

Nghị quyết 29 của TƯ Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo – văn bản mà theo cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chính là triết lý giáo dục của Việt Nam dài 7.137 chữ nhưng tuyệt nhiên không xuất hiện từ “hạnh phúc”, “vui vẻ” hay “sức khỏe tinh thần”.

Khi trẻ đã gặp vấn đề tâm lí, trầm cảm thì việc khắc phục rất khó khăn. Báo cáo về Hạnh phúc Thế giới năm 2015 khuyến cáo phụ huynh và giáo viên phải xem hạnh phúc của trẻ là ưu tiên hàng đầu. Trong báo cáo đề ra những việc cần làm để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh như làm cho hạnh phúc phải là mục tiêu rõ ràng của mỗi trường học, được sự đồng thuận của giáo viên và phụ huynh. Mỗi tuần nên có ít nhất một tiết học dạy trẻ những kĩ năng sống để sống hạnh phúc.

Cải thiện sức khỏe tinh thần cho học sinh là nhiệm vụ khó khăn, nhưng không thể thoái thác nếu chúng ta muốn con em mình hạnh phúc. Suy cho cùng, hạnh phúc là đích đến của đời người. Bằng giỏi, điểm cao, lương khủng, chức to… cũng vô nghĩa nếu con người không còn thấy niềm vui.

Để trẻ em thật sự hạnh phúc thì cần cải thiện cả hệ thống giáo dục, chỉ thay đổi sách giáo khoa thôi thì chưa đủ. Nhiều người đang rất kì vọng vào tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ với quan niệm đầy nhân văn “giáo dục là quá trình lâu dài để phát triển con người, vì con người chứ không nhất thời”. Mong rằng tân Bộ trưởng sẽ giúp trẻ em Việt Nam được học trong hạnh phúc và trang bị đầy đủ kĩ năng để sống hạnh phúc.

Tuệ Nhật

Thanh niên Việt sa đà rượu bia, bê tha cuộc sống

Cha mẹ trải chiếu con vào...biên chế

Các sếp giáo dục cũng "lên bờ xuống ruộng"

Giáo dục thụ động sẽ biến con người thành nô bộc

'Chúng ta không thể thoát khỏi đổi mới giáo dục"