Một buổi chiều năm 2012 tại trường Trung học cơ sở ở Giang Tô (Trung Quốc), một cô bé chuẩn bị ra về thì bị một người phụ nữ đến trước mặt nhận con. Người phụ nữ nắm chặt lấy tay cô bé, run run nói: "Con ơi, mẹ là mẹ đẻ của con đây. Bây giờ mẹ xin con hãy cứu lấy em trai được không. Em trai của con đang phải điều trị trong viện, tình trạng rất nguy kịch".
Cô bé bối rối trước tình huống bất ngờ và hất tay người phụ nữ: "Cô ơi, cô nhầm rồi. Cháu không phải là con của cô. Cháu không biết cô là ai cả".
"Không, mẹ tuyệt đối không nhầm. Con là con gái của mẹ", người phụ nữ cứ nắm chặt tay cô gái không buông.
"Cô ơi, cô thực sự nhầm rồi. Làm sao cháu có thể là con gái của cô được", cô gái nói bằng giọng có phần bực bội.
Theo thông tin từ trang Sohu, người phụ nữ vẫn không chịu buông tha cô bé: "Không, mẹ không thể nhầm được, con chính là con gái của mẹ. Là mẹ sai, con đừng trách mẹ được không? Bây giờ chúng ta đến viện thăm em trai của con trước đã. Em con đang chờ phẫu thuật. Nếu con không đi, em trai của con có thể sẽ chết".
Cảnh giằng co khiến giáo viên và mọi người chú ý. Sau đó, gia đình của cô bé đã đến trường học. Tuy nhiên, bố cô bé không phải đến để "giải cứu" con mà để nói cho con biết sự thật. Thì ra, người phụ nữ trước mặt không hề nói nhảm, bà ta chính là mẹ đẻ của cô bé.
Bao năm qua, bố nuôi của cô bé không tiết lộ sự thật vì sợ con gái bị tổn thương. Nhưng khi mọi chuyển vỡ lở, ông biết mình không thể giấu được nữa. Trước tình huống bất ngờ, cô gái rất bối rối. "Dù cô là mẹ ruột của cháu thì cháu cũng không đi cùng cô được. Bao năm qua cô ở đâu, bây giờ gia đình có việc cô mới tìm đến cháu", cô bé nói. Cảnh tượng này khiến người cha nghĩ lại câu chuyện cách đây nhiều năm.
Câu chuyện đau lòng
Năm 1996, tại một vùng nông thôn ở Giang Tô, một người phụ nữ tên Trần Linh sắp sinh con. Sau khi kết hôn 2 năm cô mới có bầu nên gia đình đặt rất nhiều hi vọng vào đứa con trong bụng cô.
Tuy nhiên, khi chào đời, đứa trẻ lại là một bé gái. Ở các vùng nông thôn ở Giang Tô ngày đó, người dân có tư tưởng phong kiến, thích con trai hơn con gái. Hầu hết các gia đình nghĩ rằng sinh con trai có thể nối dõi tông đường còn con gái thì chỉ nuôi lớn rồi gả chồng.
Sau khi sinh con gái, gia đình Trần Linh luôn cảm thấy không vui. Cộng thêm kinh tế khó khăn nên họ quyết định giao con cho một gia đình nông thôn khác nhận làm con nuôi. Nói là cho con làm con nuôi nhưng thực chất họ đã từ bỏ đứa con của mình. Bé gái khi đó mới được 96 ngày tuổi. Và cũng kể từ đó, cha mẹ đẻ không đến thăm con gái. Cô bé cũng chỉ biết người cha nuôi hiện tại là cha ruột của mình.
Người cha nuôi tên Trương Kiến Hồng khi đó đã có một cậu con trai. Vì hai vợ chồng đều thích con gái nên họ rất vui khi đón thêm thành viên mới. Hai vợ chồng đặt tên cho cô bé là Trương Lệ Na. Gia đình ông Trương giáo dục con trai thế nào thì cũng dạy bảo con gái như vậy, không hề có sự phân biệt con nuôi con đẻ. Tuy nhiên, trình độ học tập của Lệ Na không được tốt cho lắm, điểm số luôn ở mức trung bình.
Trương Kiến Hồng khá lo lắng về con gái. Anh nhiều lần chủ động liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của con, hy vọng cô quan tâm để con có thể cải thiện kết quả học tập, lớn lên được gả vào một gia đình tốt.
Để có tiền cho con gái ăn học, ông Trương phải làm việc vất vả. Cuộc sống khó khăn cộng thêm nhiều vấn đề, vợ chồng ông Trương ly hôn. Cậu con trai theo mẹ còn cô con gái nuôi ở lại với ông.
Thấy cha vất vả, Lệ Na đã nhận ra phải cố gắng học tập chăm chỉ. Cô bé xin ở lại trường, một tuần về một lần để có thời gian học tập chuyên tâm hơn.
Sự thật được tiết lộ
Vào một buổi chiều thứ 6 năm 2012, người phụ nữ tên Trần Linh đến cổng trường nhận là mẹ của cô bé Trương Lệ Na.
Bà Trần Linh cũng là người cùng vùng với cha con Trương Lệ Na. Lệ Na vô cùng sốc khi biết người mẹ bỏ rơi mình từ khi cô chỉ được 96 ngày tuổi. Và giờ đây, bà tìm gặp con gái ruột vì hi vọng con có thể hiến tủy, cứu sống cậu em trai đang bị ung thư máu.
Trước sự năn nỉ của mẹ ruột, Lệ Na đồng ý nhưng cũng đưa ra 3 điều kiện.
"Được, chỉ cần con đồng ý, mẹ sẽ làm theo mọi điều kiện của con, không chỉ là 3 điều", bà Trần Linh nói.
Đầu tiên, Lệ Na yêu cầu dù có làm gì để cứu em trai thì cô bé cũng phải hoàn thành kỳ thi tuyển sinh cấp 3. Bởi chỉ còn 3 tháng nữa kỳ thi sẽ bắt đầu. Cô bé không muốn việc này ảnh hưởng đến chặng đường học tập của mình.
Thứ hai, gia đình bà Trần Linh phải trích ra 500.000 tệ (gần 1,7 tỷ đồng) làm quỹ dự phòng cho ca phẫu thuật này. Bởi cô bé cho rằng sẽ có nhiều rủi ro và số tiền đó sẽ để chi trả cho các rủi ro đó, đồng thời bù đắp cho cha nuôi của cô. Nếu ca phẫu thuật thành công, không có rủi ro nào, số tiền sẽ được hoàn lại cho gia đình bà Trần Linh. Trước khi ca phẫu thuật diễn ra, gia đình bà Trần Linh phải giao số tiền đó cho "bên thứ 3" không có quan hệ lợi ích với 2 bên giữ.
Thứ ba, sau ca phẫu thuật thành công, Lệ Na sẽ ở lại với cha nuôi.
Tuy nhiên, bà Trần Linh không đồng ý với điều kiện thứ 2. Bởi gia đình bà đã bỏ ra rất nhiều tiền để tiến hành phẫu thuật cho con trai. Bây giờ họ không có đủ khả năng chi trả thêm số tiền lớn như vậy. Nếu bỏ ra hơn 1,7 tỷ đồng, họ không biết thời gian sau này sẽ sống thế nào. Để buộc Lệ Na đồng ý, bà Trần Linh thậm chí còn viết một bức thư, cáo buộc ông Trương bắt con gái của mình.
Biết mẹ đẻ không đồng ý, cô bé Lệ Na không còn gì để nói. Cô bé cũng không đồng ý hiến tủy cứu em trai.
Hy vọng duy nhất tan vỡ, gia đình bà Trần Linh không còn lựa chọn nào khác là phải cầu cứu ngân hàng tủy xương Trung Quốc. Thật may có người phù hợp để hiến tủy cho con trai bà. Và cuối cùng cậu bé cũng được cứu.
Câu chuyện sau đó đã gây xôn xao trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng cách làm của Trương Lệ Na có vẻ hơi thiếu tình người nhưng nhìn lại tất cả những việc đã qua, việc cô bé quyết định như vậy cũng không có gì đáng lên án.
Nếu không bị bố mẹ đẻ bỏ rơi từ lúc 96 ngày tuổi thì có lẽ cô đã có một gia đình ruột thịt yên ấm. Và tại sao nhiều năm qua, mẹ đẻ không tìm cô, chỉ đến khi cần cô cứu con trai của mình, bà mới tìm gặp? Nỗi đau ấy có lẽ là nguyên nhân khiến Lệ Na không cam lòng chấp nhận yêu cầu.