Kinh doanh đã khó khăn, phút chốc, các doanh nghiệp ô tô đứng trước nguy cơ lỗ nặng vì bị hồi tố truy thu thuế hàng trăm tỷ mà nguyên nhân là do Bộ Tài chính đính chính lỗi in mã hàng hóa tại biểu thuế xuất nhập khẩu.

Tình huống khóc dở mếu dở trên là câu chuyện của 2 công ty sản xuất và lắp ráp ô tô tải, ô tô khách Chu Lai- Trường Hải. Vụ việc kéo dài suốt gần 2 năm đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam mới đây, trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp trên đã nhập khẩu tổng cộng 21 tờ khai khai báo mặt hàng là bộ linh kiện CKD xe ô tô khách loại 47 chỗ, động cơ Diesel, mã số 98211011 thuế suất nhập khẩu là 5%, thuế VAT 10%.

Việc phân loại mã thuế như trên là theo hướng dẫn tại Thông tư 175 của bộ Tài chính ban hành ngày 4/11/2011 quy định Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Sau đó, các doanh nghiệp này đều đã nộp đầy đủ thuế và thông quan.

Tuy nhiên, 7 tháng sau đó, ngày 29/5/2012, Bộ Tài chính đã đính chính mã hàng trên bằng việc ban hành Quyết định số 1328. Theo đó, các bộ linh kiện CKD như của 2 doanh nghiệp trên sẽ phải áp thuế suất nhập khẩu là 70%, VAT là 0%.

{keywords}
Ngành ô tô thường chịu rủi ro chính sách lớn (ảnh: theo soha)

Tổng số tiền thuế ước tính tăng lên tới 195 tỷ đồng so với số tiền thuế đã nộp trước đó. Phát sinh một khoản tiền quá lớn như vậy, cả hai doanh nghiệp ô tô trên đều phát hoảng, “khiếu nại” xem xét lại.  

Theo hai doanh nghiệp này, mức chênh lệch thuế sau khi đính chính Thông tư quá lớn, từ 5% lên 70% sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, tất cả hàng hóa đều đã đưa vào sản xuất, hạch toán và bán ra thị trường.

Cùng đó, cả 2 công ty ô tô trên đều cho rằng, việc Bộ Tài chính ban hành Quyết định đính chính Thông tư và yêu cầu có hiệu lực ngay từ 1/1/2012, tức từ đầu năm là không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạp pháp luật.

Chi cục Hải quan khu vực cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận, việc đính chính mã thuế của Bộ Tài chính có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, cơ quan này cũng cam kết sẽ cùng doanh nghiệp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại hiệu lực của chính sách trên.

Tuy nhiên, cho đến cuối năm vừa qua, Thanh tra Tổng Cục Hải quan vẫn đôn thúc các chi cục phải truy thu số thuế chênh lệch do đính chính Thông tư.

Trên thực tế, năm 2013 có thể coi là năm điển hình cho hàng loạt vụ truy thu thuế theo kiểu hồi tố của ngành tài chính. Trong đó, nổi bật nhất là vụ hồi tố truy thu 170 tỷ đồng đối với công ty Nhựa Bình Minh, từ diện ưu đãi giảm thuế sang diện không được giảm thuế từ thời kỳ năm 2009, hay như vụ 470 tỷ đồng đối với xăng dầu, do phải đổi tờ khai hải quan nhập khẩu xăng dầu kéo theo tính lại thời điểm áp thuế từ năm 2012.

Trước nữa, năm 2010, rộ lên vụ truy thuế hàng trăm tỷ đồng tiền thuế đối với hàng loạt hãng ô tô liên doanh lớn như Honda, Ford vì tranh cãi việc áp thuế linh kiện ô tô theo thuế ô tô nguyên chiếc. Tuy nhiên, vụ truy thu thuế này đã "thất bại'.

Phạm Huyền