Báo cáo “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022” của Hãng Kiểm toán PwC mới công bố cho thấy, 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ((57%) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG, trong khi các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam vẫn đang “quan sát và chờ đợi”, với 58% cho biết họ có kế hoạch cam kết trong tương lai gần.
Lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG là hình ảnh thương hiệu và danh tiếng (chiếm 82% người tham gia khảo sát), tiếp theo sau là duy trì tính cạnh tranh (68%). Những yếu tố còn lại bao gồm: giữ chân người lao động; thu hút nhân tài; áp lực từ nhà đầu tư, cổ đông và Chính phủ.
Bộ tiêu chuẩn còn xa lạ với doanh nghiệp
ESG là bộ tiêu chuẩn về E-Environmental (môi trường); S-Social (xã hội); G-Governance (quản trị doanh nghiệp) trong quá trình vận hành công ty. ESG giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý rủi ro cũng như cơ hội ở ba khía cạnh trên. Đạo đức trong kinh doanh và hành vi cạnh tranh cũng được đưa vào nội dung đánh giá ở yếu tố quản trị. (bảng dưới).
Mặc dù cam kết của ESG ở mức đáng khen song kết quả báo cáo cũng cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động. Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình.
Cụ thể, 66% doanh nghiệp cho biết đang triển khai chương trình ESG; 49% doanh nghiệp đã thiết lập cơ cấu quản trị các vấn đề ESG; 35% có sự tham gia tích cực của Hội đồng quản trị về các vấn đề ESG. Tuy nhiên, 71% doanh nghiệp chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo, PwC Việt Nam cho biết, những bước đầu tiên trên hành trình ESG sẽ khó khăn nhưng đây là quyết định xứng đáng cho doanh nghiệp. Theo đó, thành công ESG không chỉ ở khía cạnh tài chính, công bố thông tin hay biến đổi khí hậu mà còn ở việc tích hợp tất cả các nguyên tắc, sáng kiến vào chiến lược, hoạt động của doanh nghiệp.
Tại buổi công bố báo cáo mới đây, bà Nguyễn Thiên Hương, lãnh đạo chương trình ESG, Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) dẫn chứng, từ những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 liên quan tới khí hậu, trong thời gian tới có thể xuất hiện những thay đổi liên quan tới chiến lược đầu tư vào các ngành. Cụ thể là yếu tố môi trường.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ tăng cao về phát thải nhà kính. Chính phủ sẽ có những thay đổi, chính sách đầu tư vào các ngành ‘nâu’, hay còn gọi là các ngành có nguy cơ ô nhiễm, gây phát thải nhà kính cao”, bà Hương nói.
Như vậy, nếu có sự thay đổi về chính sách liên quan đến đầu tư vào các ngành trên thì các doanh nghiệp phải chuẩn bị đón và đáp ứng sự chuyển dịch. Dẫu vậy, từ nhận thức đến cam kết và thực hành là cả một quá trình dài của doanh nghiệp.
Cũng theo kết quả khảo sát 234 doanh nghiệp, 60% đơn vị chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thiếu kiến thức nên các công ty chưa đưa ra kế hoạch thực hiện bất kỳ cam kết nào liên quan đến ESG.
So với các đối tác toàn cầu, Việt Nam hiện vẫn còn đi sau trong lĩnh vực này.
Theo nghiên cứu về các tiêu chuẩn đảm bảo tính bền vững toàn cầu tháng 7/2022, một nửa các doanh nghiệp toàn cầu (58%) đảm bảo tính độc lập về thông tin ESG. Trái lại, trong báo cáo tại Việt Nam của PwC, chỉ 36% doanh nghiệp xác nhận báo cáo ESG của họ được soát xét và xác minh bởi các đối tác độc lập bên ngoài.