Tại hội nghị, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, 5 nội dung quan trọng được tập trung trao đổi, thảo luận gồm: triển khai thực hiện chương trình, SGK lớp 1; triển khai góp ý bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6; biên soạn, thẩm định phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; bồi dưỡng tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; công tác truyền thông.

Với vấn đề liên quan đến bộ sách Cánh Diều, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo các tác giả, nhà xuất bản xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và hiện đang xin ý kiến để hoàn thiện ngữ liệu thay thế.

Không chỉ bộ SGK Cánh Diều, ông Nhạ yêu cầu phải rà soát các SGK, trên cơ sở ý kiến của giáo viên trong quá trình dạy học và từ các nhà xuất bản. Việc rà soát phải thường xuyên, liên tục, thực hiện một cách nghiêm túc, không đợi xã hội có ý kiến mới rà soát.

Lấy ý kiến rộng rãi của giáo viên

Trước mắt với các bộ SGK lớp 2, lớp 6 đang trong quá trình thẩm định, Bộ trưởng Nhạ đặc biệt nhấn mạnh khâu lấy ý kiến góp ý rộng rãi, đặc biệt từ giáo viên.

“Không ai sát sao, hiểu rõ về SGK hơn các chuyên gia về nội dung này và các thầy cô đang đứng lớp. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, cá nhân tôi đánh giá cao khâu lấy ý kiến rộng rãi, trong đó ý kiến các thầy cô trực tiếp đứng lớp vô cùng quan trọng. Đây đồng thời cũng là dịp để thầy cô tiếp cận sớm với SGK mới”, ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Nhạ cũng đề nghị các lãnh đạo sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường tham gia vào việc này và nhấn mạnh đây là trách nhiệm, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản đương nhiên cũng phải tham gia vào các khâu để bảo đảm có được các bộ SGK tốt, giá thành tiết kiệm, phân phối hợp lý.

Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ sát sao từ khâu đầu đến khâu cuối. Đồng thời sẽ chỉ đạo, cùng các Sở GD-ĐT để các trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực nghiệm SGK.

“SGK phải được làm thật chuẩn mực, thật kỹ, thật tinh thì mới ban hành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý, chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo hướng mở. Phát triển chương trình giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện. Do đó, ông Nhạ đề nghị lãnh đạo các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường, giáo viên trong quá trình tổ chức giảng dạy phát hiện những vấn đề chưa thật phù hợp. Từ đó để Bộ GD-ĐT có căn cứ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế Đại

Với tài liệu giáo dục địa phương, Bộ trưởng đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo nghiêm túc để bảo đảm chất lượng, từ việc chọn tác giả, hội đồng thẩm định đến các khâu góp ý…; nếu không đạt yêu cầu, Bộ trưởng sẽ không phê duyệt.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ xây dựng nhóm chuyên gia để có thể hỗ trợ địa phương trong thẩm định, giám sát tài liệu giáo dục địa phương.

Riêng với đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng, Bộ trưởng cho rằng cần nắm chắc nội dung đổi mới và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. “Ở đâu mà hiệu trưởng ít quan tâm đến chỉ đạo, không cập nhật được thông tin, ở đó có lúng túng, khó đổi mới. Lãnh đạo phải đi trước, đổi mới quản lý phải đi trước”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng đồng thời đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường khuyến khích thầy cô giáo xây dựng bài giảng điện tử, đặc biệt nội dung khó ở lớp 1, từ đó phát triển kho học liệu số, góp phần chia sẻ kinh nghiệm đến các đồng nghiệp.

Hải Nguyên

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về áp lực của ngành giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về áp lực của ngành giáo dục

“Bất kỳ một sự tác động nào, nhất là đổi mới, cũng đặt ra những quan điểm trái chiều”, Bộ trưởng Nhạ nói và cho rằng các nhà giáo cũng phải đối mặt với điều này.

Tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều như thế nào?

Tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều như thế nào?

Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM vừa công khai tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều để xin ý kiến góp ý.