- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định “Học thêm là một nhu cầu có thực” trong buổi họp báo nhân dịp đầu năm học mới 2016 – 2017 diễn ra chiều ngày 4/9.

Trước câu hỏi quan điểm của Bộ GD-ĐT về “lệnh cấm” dạy thêm, học thêm trong nhà trường của TP.HCM và phản ứng của một bộ phận giáo viên, người đứng đầu ngành giáo dục nhìn nhận một bộ phận học sinh, phụ huynh có nhu cầu học thêm.

Ngành giáo dục đã có hướng dẫn việc dạy thêm đáp ứng nhu cầu chính đáng, như phụ đạo học sinh yếu hay bồi dưỡng học sinh giỏi.

Còn chuyện "cấm dạy thêm" phải hiểu là cấm dạy thêm tràn lan, hay những hành vi dạy thêm trái quy định; chẳng hạn như giáo viên cố ý đưa nội dung chính khoá, đưa kiến thức nâng cao vào giờ dạy thêm.

"Trong ngành giáo dục, việc lắng nghe các ý kiến trao đổi, các bức xúc của xã hội là cần thiết. Nhưng lắng nghe cũng phải có lựa chọn, có bản lĩnh; nếu không sẽ  thành đẽo cày giữa đường" - ông Nhạ trao đổi thêm với báo chí.

Muốn giảm tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định như hiện nay, theo ông Nhạ, cần phải có lộ trình, trong đó,  việc quan trọng là chỉnh sửa nội dung chương trình, sách giáo khoa.

{keywords}

Ông Phùng Xuân Nhạ: "Cần nhìn học thêm, dạy thêm trong cả một quá trình chứ không phải chỉ với một lát cắt”. Ảnh: Kim Khang

Người đứng đầu ngành giáo dục nhìn nhận những nguyên nhân sâu xa dẫn tới nhu cầu học thêm là nội dung chương trình học nặng, thi cử căng thẳng.

"Cần nhìn học thêm, dạy thêm trong cả một quá trình chứ không phải chỉ với một lát cắt” – ông Nhạ lý giải thêm.

Trước câu hỏi về tiến độ hoàn thành "chương trình giáo dục phổ thông tổng thể" (một hoạt động chuyên môn gắn với đổi mới giáo dục phổ thông - theo định hướng giảm tải việc học nặng nề hiện nay của học sinh - PV), ông Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét công việc này thận trọng, với tinh thần "chậm mà chắc".

Ông Nhạ cho biết, sau Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2014 (Nghị quyết 88), cách làm chương trình và sách giáo khoa của ngành giáo dục có những điểm khác biệt so với trước đây.

Nếu như trước đây, chỉ có một nhóm chuyên gia tập trung làm sách giáo khoa thì hiện nay, việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa là kết hợp cả đổi mới sư phạm; việc làm sách giáo khoa cũng phải công khai, minh bạch, huy động nhiều nguồn lực, chất xám trong xã hội.

"Tại thời điểm này, chúng tôi chưa đặt vấn đề hoãn tiến độ thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Sẽ phải đẩy nhanh hơn so với trước, nhưng chúng tôi sẽ làm chắc chắn với phương châm vì mục tiêu phát triển giáo dục bền vững” - ông Nhạ cho hay.

  • Hạ Anh