- Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2017, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định phương thức thi đã được xã hội thừa nhận là tốt, song cần rút kinh nghiệm về tính phân hóa của đề thi, việc cộng điểm ưu tiên cần điều chỉnh cho thích hợp.
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 diễn ra sáng nay, 11/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không nên dành nhiều thời gian nói về kết quả mà bàn kỹ về những hạn chế để có cái nhìn khách quan, tránh những cách nhìn nhận chưa sát, gây bức xúc trong dư luận.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Thanh Hùng |
Ông Nhạ giải thích hiện tượng nhiều điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia mà báo chí, dư luận gọi là "mưa điểm 10" là do thi theo hình thức trắc nghiệm, kiến thức trải đều trong chương trình lớp 12, học sinh có 3 lần được làm quen với dạng thức đề thi, tạo thuận lợi cho thí sinh ôn tập. Tuy kết quả có nhiều điểm tuyệt đối hơn nhưng theo số liệu thống kê, điểm 9-10 cũng chỉ chiếm 3% trong phổ điểm cả nước.
Tuy nhiên, cũng cần phải rút kinh nghiệm trong việc ra đề để tính phân hóa tốt hơn nữa.
"Trong bối cảnh thời gian chuẩn bị không nhiều, kết quả đạt được như vậy đã là một sự cố gắng lớn ".
"Phương thức thi như năm nay sẽ được giữ ổn định, xã hội cũng thừa nhận điều này. Tất nhiên, vẫn phải cải tiến về mặt kỹ thuật để kỳ thi ngày càng tốt hơn" - lời ông Nhạ.
Liên quan tới việc một số trường năm nay tuyển sinh khó khăn, ông Nhạ khẳng định cá nhân ông và Bộ GD-ĐT rất chia sẻ vì trường ĐH bên cạnh nghiên cứu khoa học công nghệ thì quan tâm số một của các trường vẫn là đào tạo.
Theo ông Nhạ, thị trường lao động có phân tầng khác nhau nên mỗi trường sẽ có một sứ mạng, phân khúc đào tạo khác nhau.
"Chúng ta đang cố gắng để tuyển sinh đủ chỉ tiêu đăng ký nhưng dần dần phải làm quen với việc thí sinh đăng ký mà không vào học".
Ông Nhạ cho rằng, giá dục đại học sẽ phát triển khi nền kinh tế phát triển, vì nền kinh tế chính là nơi tạo ra nhu cầu vừa là nơi sử dụng sản phẩm của giáo dục đại học. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào năng lực đào tạo và sở thích của người học như lâu nay là chưa đủ. ĐH cần phải nhìn vào thị trường để đào tạo, chứ không phải ngành nào có thế mạnh thì đào tạo mà không quan tâm tới thị trường.
"Có như vậy chúng ta mới giải tỏa được những bức xúc lâu nay là sau mỗi kỳ tuyển sinh lại lo không có người vào học".
Người đứng đầu ngành giáo dục nhìn nhận chính sách cộng điểm ưu tiên xét tuyển ĐH là tốt về mặt kinh tế xã hội và không chỉ Việt Nam áp dụng.
Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế xã hội thay đổi, việc cộng điểm ưu tiên theo vùng cũng cần phải cân nhắc thay đổi. Chẳng hạn, mức độ chênh lệch giữa các khu vực gần hơn thì cũng phải điều chỉnh chế độ cộng điểm ưu tiên cho phù hợp.
Ông Nhạ cũng dẫn lại vấn đề điểm chuẩn các trường sư phạm thấp và cho rằng, ý kiến từng người nói đều đúng cả nhưng chưa có cái nhìn nhận thực sự căn cơ. Việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm cần thời gian, quá trình chứ không thể chỉ trong vòng 1-2 năm.
"Bộ đang quyết liệt quy hoạch lại các trường sư phạm trên cả nước. Song đây là vấn đề liên quan tới nhiều chính sách không chỉ thuộc Bộ GD-ĐT mà còn thuộc nhiều bộ ngành khác".
Sau khi dẫn lại một số hiện tượng nổi bật trong thời gian qua, ông Nhạ cho rằng: "Với tất cả các hiện tượng, cần có cách nhìn bình tĩnh. Có những thứ chúng ta phải chấp nhận sóng sánh một chút nhưng dần dần sẽ ổn định".
Tới đây, ngành giáo dục sẽ tiếp tục làm quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, hệ thống các trường sư phạm cũng như ban hành nghị định tự chủ các trường ĐH. "Sẽ sóng sánh đấy nhưng phải vững vàng".
Ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm ngành công an, quân đội..." |
Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán sao cho phù hợp. Trong đó việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh. Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được. Nhưng tôi cũng lưu ý, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế nào cũng phải làm sao giáo sinh vào trường sư phạm phải cảm thấy tự hào” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
- Lê Văn - Thanh Hùng