- Bộ trưởng Công thương thừa nhận tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô còn thấp, nhưng sản xuất xe máy thì "đánh bật các hãng nước ngoài".

Nhóm lợi ích?

Bấm nút đầu tiên phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương chiều nay, ĐB Đỗ Văn Đương phản ánh thực trạng DN điện lớn của nhà nước như thủy điện Hòa Bình có công suất lớn nhưng hoạt động cầm chừng trong bối cảnh phải nhập điện từ TQ, mua lại điện của tư nhân.

Ông chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về sự lãng phí năng lực của DN điện nhà nước, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân có đúng? Nếu không đúng, ông đề nghị Bộ trưởng có những giải trình trả lời để "hóa giải nghi ngại" của cử tri. Ông cũng hỏi thẳng: liệu có nhóm lợi ích hay không?

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phản bác nhận định cho rằng DN điện lớn của nhà nước hoạt động cầm chừng. "Ý kiến này không có cơ sở" - ông nói và dẫn ra hàng loạt công trình thủy điện đa mục tiêu như thủy điện Sơn La, Lai Châu, Trị An... Đảng, Nhà nước chắt chiu xây dựng.

"Không có lý do gì chúng ta không khai thác triệt để các dự án lớn. Riêng thủy điện Hòa Bình nhiều cử tri, QH biết rõ, khi xây dựng thiết kế công suất vận hành nhà máy này 19820 MW, sản lượng 9-10 tỉ Kw, số liệu hầu như năm nào cũng phát con số này, không có chuyện cầm chừng" - ông lý giải thêm về thắc mắc của ĐB.

Thêm một ví dụ là thủy điện Sơn La vận hành trước thời hạn 3 năm và trong 3 năm qua, lúc nào cũng phát vượt sản lượng, trên dưới 10 tỉ Kw và các thủy điện khác cũng vậy.

XEM CLIP:

VN có phải là bãi rác?

Xoay quanh công nghiệp phụ trợ và sản xuất trong nước, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đặt câu hỏi tại sao đến nay công nghiệp phụ trợ vẫn chưa có gì đáng kể trong khi kế hoạch phát triển đã có từ lâu. Sự chậm trễ này khiến ĐB đặt câu hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng, liệu có phải vì thiếu các chính sách cụ thể?

{keywords}

ĐB Nguyễn Thị Khá

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất như ô tô, điện, điện tử có tỉ lệ nội địa hóa là bao nhiêu khi mà ốc vít gần đây mới sản xuất được. "Có phải VN chỉ là bãi rác, thuê lao động phổ thông và cho hưởng ưu đãi đầu tư?" - bà hỏi.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhận xét thẳng "CN chế tạo và phụ trợ còn rất yếu kém", sản xuất đa phần chỉ ở mức lắp ráp và gia công. Chất vấn Bộ trưởng là người đứng đầu ngành công thương trong gần 10 năm qua, ĐB Đáng muốn biết rõ nguyên nhân và sự yếu kém này có phải do "thiếu tập trung của việc quản lý nhà nước?"

Bộ trưởng Huy Hoàng thừa nhận ngành công nghiệp phụ trợ "đúng là có khá nhiều vấn đề". Năm 2011 đã có quyết định chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ đối với các ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày, nhựa. Nhưng hiện nay chủ yếu mới chỉ nói đến phụ tùng linh kiện nguyên phụ liệu, mà để phát triển thì quy mô sản xuất phải lớn, số lượng nhiều thì giá thành mới cạnh tranh, tổ chức sản xuất thuận lợi hơn.

Ông cho rằng, dung lượng thị trường chưa đủ, như ô tô chỉ khoảng 70 nghìn xe/năm, khó có DN hỗ trợ nào đứng ra cung cấp phụ tùng cho hơn một chục nhà sản xuất với các yêu cầu, mà sản lượng phải từ 100 nghìn xe một năm thì công nghiệp phụ trợ mới có lãi.

XEM CLIP:

Ông cũng phân trần do các DN lớn đã có các cơ sở cung cấp phụ kiện nên VN đi sau khó chen chân trong khi sức đang yếu trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Ngành CN hỗ trợ đòi hỏi vật liệu mới, thép chế tạo, chất dẻo mà VN hầu như chưa có, vẫn phải nhập nên giá thành khó cạnh tranh với nước ngoài. "CN phụ trợ là ngành thâm dụng lao động, trình độ tay nghề phải cao, gần như là nghệ nhân mà VN lại thiếu những lao động như vậy".

Trả lời về tỉ lệ nội địa hóa, Bộ trưởng Huy Hoàng cho rằng, bức tranh chung thì hạn chế nhưng từng lĩnh vực kết quả khác nhau. Dẫn tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô có mức khác nhau như 40% ô tô chở khách, xe tải nông dụng 70%, xe con chỉ khoảng 10% , Bộ trưởng cho rằng mức độ này chưa thành công đối với quy hoạch phát triển ô tô. Trong khi đó, tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất xe máy đạt đến 90%, đánh bật các hãng xe máy nước ngoài, thậm chí còn xuất khẩu đạt 280 triệu USD.

Các ĐBQH Đồng Hữu Mạo, Nguyễn Thị Khá, Huỳnh Ngọc Đáng tiếp tục bấm nút hỏi lại Bộ trưởng. ĐB Mạo nhắc lại chuyện đánh giá tín nhiệm và cho rằng một số việc chưa thấy Bộ trưởng kiên quyết và có chính sách cụ thể. Ông đặt câu hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng trong kiến nghị chính sách những vấn đề vượt thẩm quyền. "Bộ trưởng có dám nhận một phần trách nhiệm?".

ĐB Nguyễn Thị Khá hỏi lại tỉ lệ nội địa hóa thấp trong sản xuất liên doanh liệu có phải VN chỉ là bãi rác? ĐB Huỳnh Ngọc Đáng nhắc lại câu hỏi liệu chính sách thiếu đồng bộ có nguyên nhân là sự thiếu tập trung của quản lý nhà nước?

Bộ trưởng Công thương phân trần, để phát triển công nghiệp phụ trợ rất mong QH trong kỳ họp sẽ có ý kiến thông qua dự án luật sửa đổi một số điều về luật thuế liên quan công nghiệp hỗ trợ, ưu đãi thuế thu nhập DN, kiến nghị liên quan thuế ưu đãi thu thập cá nhân cho các chuyên gia trong ngành công nghiệp hỗ trợ...

X.Linh - T.Chung - M.Thăng - D.Tiến - H.Nhì - Nguồn clip: VTV