Sáng 26/12, phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, năm 2023 là năm đầy sóng gió, thách thức vượt cả dự báo.
Sự đứt gãy chuỗi sản xuất, suy giảm đơn hàng, xung đột và những bất ổn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng đang gây ra những tác động kép tới nền kinh tế toàn cầu, khiến những bước phục hồi sau đại dịch Covid-19 rất chậm.
Tại Việt Nam, tình trạng phải nghỉ giãn việc, giảm việc của người lao động đã xuất hiện từ quý 4 năm 2022 và kéo dài suốt năm nay.
Trong bối cảnh đó, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ ngành và toàn dân, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP trên 5% chưa đạt kỳ vọng đề ra nhưng với nhiều nước đã là niềm mơ ước. Các thị trường thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đã vượt những mục tiêu đề ra.
Với lĩnh vực xã hội, Việt Nam là điểm sáng được quốc tế ghi nhận trong cuộc chiến chống đói nghèo. Việt Nam tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng những quốc gia tham gia các chỉ số đánh giá về phát triển xã hội.
Năm 2023, Việt Nam đưa được 150.000 lao động đi nước ngoài bằng rất nhiều biện pháp, giải pháp. Việc này góp phần quan trọng với nhiệm vụ đảm bảo công ăn việc làm cho người dân.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 68% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%), cũng là một con số ấn tượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành LĐ-TB&XH còn có những thách thức, tồn tại cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Cụ thể, thị trường lao động còn có khi, có lúc chưa cân đối cung cầu, trong đó có thể thấy rõ qua việc có nhiều tập đoàn vào nước ta đầu tư tuyển dụng lao động phổ thông để gia công, nhưng lao động công nghệ cao lại rất thiếu.
Có thể thấy nguồn lực lao động chưa cải thiện nhiều về chất lượng, do vậy cần phải chuyển đổi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nói rõ, phạm vi giải quyết rủi ro chính sách an sinh chưa đáp ứng yêu cầu, khi người lao động rút BHXH một lần vẫn tăng. Đây là thực trạng rất đáng báo động, cần chỉ rõ nguyên nhân để có các chính sách điều chỉnh phù hợp, tạo lòng tin của người lao động với quỹ BHXH.
Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH cần bám sát nhu cầu thị trường lao động, trong đó có sàn giao dịch việc làm quốc gia để theo dõi, đánh giá, cập nhật, nắm được cung và cầu.
Ngành LĐ-TB&XH sẽ chuyển đổi số toàn diện nhất trong số các bộ ngành khi có sàn giao dịch điện tử này. Đây là sàn giao dịch lao động - việc làm quốc gia, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước.
Đối với chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, cung cấp ưu đãi, hướng tới mức ưu đãi cao nhất trong các chính sách xã hội.
Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội theo định hướng khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHXH; hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, cần có chế tài tốt hơn, đặc biệt trong việc thanh tra, kiểm tra với việc trốn, chậm đóng BHXH.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024 là năm chỉnh đốn, nâng cao năng lực, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến lao động. Bộ LĐ-TB&XH cần tập trung quan tâm vấn đề này hơn nữa để người lao động không mất lòng tin.
Khắc phục tình trạng “thấy khó thì né”
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, bước vào năm 2024, toàn ngành sẽ nỗ lực hoàn thành để đạt kết quả cao hơn năm 2023, đặc biệt phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Đó là tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1%. Đồng thời hoàn thành 16 chỉ tiêu ngành đạt ra với tinh thần không có chỉ tiêu nào không làm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào các vấn đề đề như:
Xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng thị trường lao động, đặc biệt với những lĩnh vực mới như chip, bán dẫn.
Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dân tộc thiểu số.
Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên lĩnh vực người có công và xã hội để hoàn thiện hệ thống cơ sở an sinh xã hội trên tất cả các lĩnh vực.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động, người có công với xã hội, siết chặt kỉ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và tập thể.
Cùng với đó, sẽ khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, "thấy khó thì né, phức tạp thì đùn đẩy" để làm sao thực thi hiệu quả chính sách, giúp người dân được thụ hưởng chính sách.