Tới dự lễ Khánh thành Học viện Học viện đào tạo nhân lực công nghiêp hỗ trợ của Hà Nội hôm 19/2, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Bộ Kế hoạch và đầu tư chia sẻ, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của chúng ta theo cái hướng công nghiệp hóa, hiện đại hó.
"Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn đang còn rất yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất trong nước", bộ trưởng Dũng nói.
Trong ngành công nghiệp có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như điện tử, da giầy hay công nghiệp ô tô, xe máy, hiện chúng ta vẫn chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh đi kèm.
Các sản phẩm này vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, phụ tùng linh kiện, chủ yếu là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Như vậy, sản xuất trong nước luôn ở thế bị động, chi phí sản xuất cao dẫn tới giá trị gia tăng tạo ra thấp.
Ông Dũng kể: "Cách đây khoảng 25 năm, tôi đã tham gia vào một cái đề tài nghiên cứu của một doanh nghiệp sản xuất giày ở Việt Nam và có 1 doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào. Khi họ xuất ra cho doanh nghiệp phân phối cấp 1 là 17 Đô La thì giá thành tạo ra đã chiếm mất 15 đô la Mỹ. Như vậy hàng tạo ra ở Việt Nam chỉ có 2 đồng lời, 1 Đô la là dành cho người lao động, điện nước và 1 Đô la dành cho chủ đầu tư nhà máy, chỉ có thế thôi".
"Nhưng khi người ta chuyển sang đơn vị phân phối cấp 2 thì đã là 60 đô la trên một sản phẩm. Khi bán lẻ ra thị trường, giá bán là 120 đô la", ông Dũng chia sẻ.
Như vậy, "một đôi giày 120 đô la tạo ra ở Việt Nam để xuất khẩu đi có giá thành chỉ 15 Đô và giá trị gia tăng tạo ra nó chỉ dừng lại ở 2 Đô la thôi", ông Dũng nhấn mạnh. Điều đó đồng nghĩa, doanh nghiệp Việt hưởng lợi rất thấp.
Việc kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các doanh nghiệp FDI vẫn còn khoảng cách xa. VQua nhiều cuộc khảo sát về lĩnh vực nguyên phụ liệu, linh kiện phụ tùng trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài luôn nói rằng doanh nghiệp Việt Nam không đủ tiêu chuẩn, không đủ điều kiện để vào được chuỗi giá trị của họ.
Thế nhưng ngược lại doanh nghiệp Việt Nam lại cho rằng, nếu như không chắc chắn về việc có thể tham gia vào lĩnh vực hay chuỗi cung ứng đó thì sẽ không thể sản xuất được.
"Tôi đầu tư vào rồi tôi biết bán cho ai, tham gia bằng cách nào? Như vậy ta cứ loay hoay con gà, quả trứng", bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.
Theo ông, chúng ta phải điều chỉnh các chính sách để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên, đủ điều kiện tiếp cận và có thể tạo dựng và kết nối với nhau và cùng nhau phát triển. Đó là cái chủ trương đúng đắn nhất, không phải là hạn chế đầu tư nước ngoài và cũng không phải là không tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam lớn lên.
Ông cũng lưu ý, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hay những công cụ quản lý sản xuất nội bộ. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO-9000 quản lý chất lượng. Về trình độ công nghiệp, công nghệ thì có khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết vẫn đang sử dụng thiết bị điều khiển thủ công, nghĩa là vô cùng lạc hậu. Và trên 50% doanh nghiệp cho biết sử dụng các thiết bị bán tự động và trên 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hóa. Việt Nam có chưa tới 10% doanh nghiệp có sử dụng robot đi kèm dây chuyền hỗ trợ.
Kết quả khảo sát cho thấy trình độ công nghệ vcủa chúng ta đang rất thấp. Điều này cho thấy năng lực của các doanh nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn khá thấp cả về năng lực quản lý lẫn sản xuất và trình độ về công nghệ. Đó là một khó khăn khiến doanh nghiệp Việt khó tham gia chuỗi cung ứng của các Tập đoàn FDI.
Ví dụ, Samsung năm 2020 xuất khẩu 56,5 tỷ Đô la Mỹ, năm 2021 là 65,4 tỷ Đô la Mỹ và con số này sẽ có thể ngày càng tăng. Thế nhưng, cả nước 620 doanh nghiệp trong và ngoài nước để tham gia vào việc cung cấp linh kiện cho các dự án của Samsung ở Việt Nam. Các doanh nghiệp cấp 1 có khoảng 240 doanh nghiệp nhưng trong đó chỉ có 51 doanh nghiệp ở Việt Nam.
Còn đối với doanh nghiệp cấp 2 ký hợp đồng với doanh nghiệp cấp 1 thì có 380 doanh nghiệp, trong đó có 203 là doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong số 51 doanh nghiệp cấp 1 và 203 doanh nghiệp cấp 2 thì có rất nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Số doanh nghiệp thuần Việt Nam rất thấp.
Hiện nay, Samsung cũng đang có dự án đào tạo chuyên gia để tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp, đào tạo về khuôn mẫu cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp... qua đó,hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển được, vươn lên được và cuối cùng là có thể tham gia vào dây chuyền sản xuất.
Hiện, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Tập đoàn lớn như Samsung để thúc đẩy hỗ trợ để doanh nghiệp VN vươn cao hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong chiến lược công nghiệp hoá, công nghiệp hỗ trợ là vô cùng quan trọng và cấp bách để chúng ta hiện thực hóa được các mục tiêu mà Đảng đã đề ra. Vấn đề này đang nằm trên vai tất cả các cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước địa phương, chúng ta phải có tính chuyên nghiệp để triển khai và hiện thực hóa được mục tiêu này, ông Dũng nhấn mạnh.
Kim Duyên