Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Hôm nay, ngày 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Ba nhóm nội dung Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tập trung trả lời chất vấn Quốc hội bao gồm: công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: VHTT&DL, KH&CN, Tài chính, Nội vụ, Công an và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, qua trao đổi với các đại biểu Quốc hội về hoạt động của ngành TT&TT, các vấn đề sẽ được nêu ra, các gợi ý sẽ được đưa ra dưới những góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau giúp ngành TT&TT nhìn thấy rõ hơn, toàn cảnh hơn về ngành của mình, nhìn thấy rõ hơn vấn đề của mình, những tồn tại hạn chế của mình, trách nhiệm của mình cũng như những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới để tất cả chúng ta chung tay làm cho lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và truyền thông phát triển lành mạnh, bền vững, góp phần cho Việt Nam thịnh vượng.
Bộ TT&TT được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, hay còn gọi là ICT, với doanh thu năm 2018 trên 100 tỷ USD với sứ mệnh đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, tiến tới kinh tế số, xã hội số.
Bộ TT&TT cũng là bộ quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông với sứ mạng phản ánh trung thực và dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường. “Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần, báo chí sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù đã đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam, làm cho Việt Nam mạnh lên, phồn thịnh chứ không phải là làm xói mòn sức mạnh đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thông tin cụ thể hơn với các đại biểu Quốc hội về các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ trọng tâm của 6 lĩnh vực quản lý thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT, bao gồm: một là, bưu chính với trọng tâm là phát triển thương mại điện tử; hai là, viễn thông với trọng tâm là tạo ra hạ tầng số; ba là, ứng dụng CNTT với trọng tâm là phát triển Chính phủ điện tử, thành phố thông minh; bốn là, an toàn thông tin mạng với trọng tâm là tạo ra an toàn trên không gian không gian mạng; năm là, công nghiệp ICT với trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; và sáu là, báo chí truyền thông với trọng tâm là tạo không gian thông tin trung thực, lành mạnh, lan toả năng lượng tích cực.
Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành CNTT-TT Việt Nam đã có bước phát triển: xếp hạng bưu chính tăng hạng từ 50 lên 45 trong số 172 quốc gia; chỉ số ứng dụng viễn thông và CNTT tăng hạng từ 95 lên 41 trong số 141 nước; xếp hạng về an toàn, an ninh mạng tăng từ 100 lên 50 trong số 175 quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn thừa nhận, ngành TT&TT vẫn còn nhiều tồn tại, còn đó nhiều vấn đề nhức nhối, đó là: vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua kênh bưu chính; vẫn còn rác viễn thông, SIM rác, tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi rác; sự chậm trễ của một số dự án nền tảng về Chính phủ điện tử; tỷ lệ cao các máy tính bị nhiễm mã độc; vấn đề các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gia công nhiều hơn là sáng tạo sản phẩm “Make in Vietnam”; sự bất cập trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới; vấn nạn tin giả, quảng cáo sai sự thật; vấn đề báo hoá tạp chí, trang tin điện tử; vấn đề đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên.
"Chúng tôi xin phép được lắng nghe các đại biểu Quốc hội, trả lời một cách có trách nhiệm nhất với tinh thần hết sức nghiêm túc, cầu thị. Có những vấn đề còn thiếu thông tin chi tiết xin phép Quốc hội được trả lời thêm bằng văn bản, có những vấn đề lớn phức tạp không thể trả lời hết trong 3 phút xin phép Quốc hội sẽ báo cáo chuyên đề nhằm giải quyết triệt để hơn vấn đề đã được nêu ra, nhất là một số vấn đề kéo dài ít chuyển biến vì rất có thể phải cần đến thẩm quyền của Quốc hội thì mới giải quyết được”, Bộ trưởng nói.