Sáng 21/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác chuyển đổi số. Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo sở, ngành địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về công tác chuyển đổi số tại Thừa Thiên Huế

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ, Thừa Thiên - Huế đã quyết liệt thực hiện Nghị quyết và đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2022 đạt 5,2%/năm (năm 2022 đạt 8,56%, có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra). Tổng vốn đầu tư thời kỳ 2020 - 2022 hơn 78.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 9,3%/năm. Thu ngân sách năm 2022 đạt trên 12.700 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân thời kỳ 2020 - 2022 đạt 16%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 2.400 USD, gấp 1,2 lần so với năm 2019. 

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đồng chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác Bộ TT&TT

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, liên tục trong những năm qua, các chỉ số xếp hạng của Thừa Thiên - Huế ngày càng được cải thiện và luôn nằm trong top đầu về các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh như: Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) năm 2019 xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2020, 2021 xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng từ vị trí số 20 năm 2019 đến vị trí số 6 toàn quốc năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và Bộ TT&TT, công tác chuyển đổi số đã tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc phát triển hạ tầng số, nhân lực số… còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa xứng tầm; Hoạt động quản lý và các hoạt động có liên quan quản lý trên nền tảng số để nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như năng lực chuyển đổi số còn nhiều hạn chế...

Trên cơ sở đó, địa phương kiến nghị Bộ TT&TT xem xét chiến lược chuyển đổi số, hỗ trợ vấn đề số hóa, nền tảng số, đặc biệt là hoạt động truyền thông trên nền tảng số, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch… trên địa bàn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng cuốn sách "Đô thị thông minh - Tương lai xán lạn" cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những thành quả đã đạt được của tỉnh TT-Huế trong công tác chuyển đổi số cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu, có nhiều thành tích nổi bật trong công tác chuyển đổi số, nhưng TT-Huế nên chọn con đường riêng, khác so với các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang… để phát triển nhân lực, hạ tầng,… phục vụ chuyển đổi số.

“Thừa Thiên - Huế nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thiết lập các trung tâm chế tạo phần mềm, CNTT. Nên đi theo hướng đào tạo những người tham gia nghiên cứu, làm ra sản phẩm thì mới phát triển bền vững được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, chuyển đổi số lấy chủ thể người dân làm trọng tâm, công nghệ đóng vai trò hỗ trợ tích cực và quay lại phục vụ người dân.

Để làm tốt điều này, địa phương quan tâm, nâng cấp hệ thống hạ tầng số. Ít nhất mỗi hộ gia đình phải có một cái smartphone, như vậy người dân Huế sẽ tự tiếp cận được công nghệ.

“Phải phủ hết vùng trắng công nghệ cho người dân. Người nghèo không bao giờ nghèo mãi nếu sớm cho họ tiếp cận được với CNTT”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Trước đề xuất của địa phương về các giải pháp thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là các "ông lớn" công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích về các yếu tố đang được các doanh nghiệp quan tâm và đề nghị Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến, vì đây thể hiện tính minh bạch của chính quyền, giảm các phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. 

Tỉnh cũng cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ số để tạo ra thị trường cho doanh nghiệp.

Đóng góp ý kiến bổ sung, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) đề xuất Thừa Thiên Huế nghiên cứu mô hình của Barcelona ở Tây Ban Nha, phát huy lợi thế thành phố du lịch, di sản để xây dựng Huế trở thành “thành phố phần mềm”.

Để phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, giải pháp nhanh nhất và tốt nhất chính là triển khai đại học số. 

Học viện Công nghệ BCVT và Tổng Công ty VTC thuộc Bộ TT&TT là những đơn vị đang triển khai các giải pháp đào tạo số và có thể hỗ trợ để Thừa Thiên Huế triển khai công tác này.

Đối với đề xuất của tỉnh về việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ số cho hơn 20.000 hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chỉ cần mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang, có 1 thiết bị di động như smartphone, máy tính ra bảng thì việc này hoàn toàn sẽ được giải quyết. 

Bộ trưởng cũng chia sẻ cách thức giải quyết theo nguyên tắc : Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng thực hiện. Theo đó người dân bỏ một phần chi phí, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trang bị thiết bị và doanh nghiệp trợ giá để cùng triển khai.