Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã có nhiều chủ trương, định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quốc hội, Chính phủ cũng có nhiều nghị quyết thực hiện chủ trương này.
“Kỳ này xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, tôi cho rằng đây là quyết định mang tính lịch sử để có thêm thành phố trực thuộc trung ương rất đặc trưng, đặc thù góp phần làm cho hệ thống đô thị trực thuộc trung ương thêm đa dạng, phong phú”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định.
Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây khi thúc đẩy tổng thể đô thị Việt Nam thì không chỉ đô thị trực thuộc trung ương mà còn là thành phố trực thuộc thành phố và thành phố trực thuộc tỉnh.
Bộ trưởng khẳng định, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã chín muồi, hội tụ đầy đủ yếu tố. Thành phố Huế có tiêu chí đặc thù là thành phố di sản cho nên áp dụng tiêu chuẩn thu nhập bình quân đầu người hằng tháng và số lượng đơn vị hành chính đô thị.
Thừa Thiên Huế đã vượt 2 tiêu chí này và “chỉ trong 1-2 năm nữa thành phố Huế sẽ đạt 5/5 tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng lưu ý những thách thức đối với thành phố Huế trực thuộc trung ương còn rất lớn.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có khát vọng, thể hiện ý chí “mong đợi rất lâu và 15 năm nay kiên trì, kiên định, quyết tâm”.
Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội… Số đơn vị hành chính cấp huyện còn là nông thôn. Bộ trưởng chia sẻ, việc thay đổi tư duy từ vùng nông thôn, nông nghiệp sang tư duy của một đô thị "không phải chuyện ngày một, ngày hai”. Vì vậy, cần có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ có đánh giá lại và sớm đề nghị Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố Huế đảm bảo “đúng như là một cái áo toàn diện, đầy đặn và đủ sức để có thể hội nhập”. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Huế mà cả trung ương, cả nước phải quan tâm.
Về tên gọi “thành phố Huế trực thuộc trung ương”, Bộ trưởng chia sẻ, người dân rất đồng thuận, cái tên này đã đi vào tiềm thức, suy nghĩ, khi nói đến tỉnh Thừa Thiên Huế thì nghĩ ngay đến thành phố Huế.
Về tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cả nước đã có 3 mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Hà Nội với tư cách là thành phố Thủ đô có mô hình đặc thù riêng, TPHCM, Đà Nẵng.
Việc tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng cơ bản thực hiện theo đúng mô hình của TPHCM, Đà Nẵng, tuy nhiên có một số khác biệt.
Những điểm tương đồng như quyết định chuyển chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cho cơ quan khác; thành lập đơn vị sự nghiệp công thuộc UBND thành phố; quy định về ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác… Điểm khác biệt là quy định về trách nhiệm của HĐND thành phố Hải Phòng.
“Chúng ta nên phân cấp triệt để. Quan điểm của Trung ương, Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là tập trung phân cấp, phân quyền. Trong những nội dung này chúng ta thực hiện phân cấp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về thành phố Thủy Nguyên, Bộ trưởng cho biết, đây sẽ trở thành trung tâm hành chính mới và trung tâm kinh tế - xã hội của Hải Phòng, tương lai sẽ là trung tâm logistics, dịch vụ, công nghệ để thay thế trung tâm hành chính hiện nay.
Thành phố Thủy Nguyên áp dụng cơ bản giống mô hình của thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Liên quan đến số lượng các chức danh, Bộ trưởng cho biết sẽ có cân nhắc để phù hợp hơn, bởi tới đây chắc chắn sẽ thực hiện rất quyết liệt, mạnh mẽ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sắp xếp các cơ quan, đơn vị trong hệ thống.