Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất với sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân, mang lại nhiều tiện lợi khi được tích hợp nhiều thông tin.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chip, căn cước điện tử bị theo dõi. Để công dân an tâm, đại biểu đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này. 

251020231045 pham van hoa.jpeg
ĐB Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như quy định trong dự thảo luật. 

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân; và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp…

Ông phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.

Giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, việc xây dựng Luật Căn cước để thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số, các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu lớn, nhất là cơ sở dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, đất đai, nhà ở....

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Căn cước là rất quan trọng và cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý, giảm thủ tục hành chính mà còn phát huy giá trị các cơ sở dữ liệu trong phát triển kinh tế xã hội, phục vụ chuyển đổi số.

251020231158 z4815871156345 32482ece06752e005abe9fbe52502527.jpeg
Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình về một số nội dung đại biểu quan tâm, còn ý kiến khác. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, dự thảo luật được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng. Nêu thông tin có ý kiến băn khoăn rằng khi sử dụng thẻ căn cước có gắn chip, mã QR có bị theo dõi hay không, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói: “Chúng tôi khẳng định việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, mã QR và căn cước điện tử không theo dõi và không thể theo dõi được”.

“Bộ hay bất cứ cơ quan nào cũng không được và không thể theo dõi. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân, cho người sử dụng thẻ không bị theo dõi từ bất cứ tổ chức, cá nhân nào; bảo mật an ninh, an toàn dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp”, Đại tướng Tô Lâm nói và cho hay thông tin trên có thể do đối tượng xấu tung ra nhằm gây hoang mang dư luận.

Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng như các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật phù hợp để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 này.