Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (29/12), đề cập đến nội dung chuyển đổi số, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: VGP

Nhiều đột phá được Bộ trưởng nhắc tới như: Đưa mọi hoạt động lên môi trường số toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoàn toàn mới. Thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống. Đột phá ở chỗ càng dùng càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên và công nghệ phát triển.

Làm cho những người nghèo nhất có thể tiếp cận với những dịch vụ tốt nhất nhưng với giá rất rẻ. Đồng thời mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi DN nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, thúc đẩy mọi người có thể kinh doanh và làm giàu.

Đột phá cũng ở chỗ nó không bắt buộc chúng ta phải đi qua giai đoạn “bắt kịp rồi đến tiến cùng” và sau đó mới là vượt lên, mà có thể đi đầu ngay từ đó và qua đó bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng, dẫn dắt địa phương, quốc gia khác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là một điểm mới, nên cần có nghị quyết của cấp ủy đảng. Thủ tướng đã ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia là chương trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đây là sự tiếp nối cụ thể hóa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ trưởng thông tin, hiện nay có gần 30 bộ ngành, tỉnh thành ban hành nghị quyết và chương trình về chuyển đổi số.

Bộ trưởng cho rằng, để đẩy nhanh chuyển đổi số thì hạ tầng số phải đi trước. Đó là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi gia đình một đường internet cáp quang tốc độ cao, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số. Việc này địa phương chỉ đạo và tạo điều kiện cho các DN bưu chính viễn thông làm.

“Chuyển đổi số cần đầu tư nhưng không nhiều, khoảng từ 1 - 1,5% ngân sách hàng năm và 10% số này là dành cho an toàn an ninh mạng. Nền tảng số nào hiệu quả, giá thị trường là bao nhiêu thì có thể tham vấn Bộ TT&TT. Thuê dịch vụ, hạ tầng là cách tiếp cận tốt hơn là tự đầu tư, tự khai thác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.

Có khó khăn cần tháo gỡ thì yêu cầu Bộ TT&TT hỗ trợ

Về việc triển khai, theo Bộ trưởng, thay vì làm dần dần, từng phần thì làm nhanh, toàn diện, đặt mục tiêu cao. Đây là sự khác biệt căn bản giữa cách tiếp cận CNTT và chuyển đổi số.

Cách để làm nhanh là sử dụng các nền tảng số. Một nền tảng số có thể dùng chung cho cả trăm triệu người. Trong tháng 1/2021, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan, các DN công nghệ số Việt Nam sẽ công bố các nền tảng chuyển đổi số cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ và siêu nhỏ, cho hợp tác xã, hộ nông dân, kinh doanh cũng như một số nền tảng chuyển đổi số ngành, nhất là cho y tế và giáo dục, miễn phí từ 6 tháng đến 1 năm.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 không làm tuần tự mà hướng ngay đến mục tiêu 100%, chậm nhất năm 2021 là 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Ngoài ra, việc triển khai chính quyền số không nhất thiết phải làm xong Chính phủ điện tử mới làm Chính phủ số, mà triển khai ngay Chính phủ số từ 2021. Bộ TT&TT sẽ tư vấn cách làm nhanh và tiết kiệm.

Một nội dung khác được Bộ trưởng TT&TT nhắc tới là nhân lực chuyển đổi số chủ yếu do làm mà ra chứ không phải do đào tạo mà ra.

Ông nêu giải pháp là các tỉnh ưu tiên người có chuyên môn, có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tăng cường cho Sở TT&TT. Giao cho Sở làm hạt nhân để thực hiện chuyển đổi số tại tỉnh, giao nhiều việc hơn cho Sở, nhất là việc khó, từ đó có giải pháp đột phá tạo ra sự phát triển và xuất hiện người tài cho tỉnh.

“Có việc gì khó khăn cần tháo gỡ trong lĩnh vực TT&TT, các địa phương yêu cầu Bộ hỗ trợ càng nhanh càng tốt vì Bộ sinh ra để phục vụ các địa phương”, Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng cho biết, lực lượng gần 60.000 DN công nghệ số Việt Nam có đủ năng lực và sẵn sàng tham gia vào các chương trình chuyển đổi số. Các bộ ngành địa phương cần đặt ra các bài toán, vấn đề của mình cho giới DN công nghệ số Việt Nam có thể trực tiếp hoặc thông qua Bộ.

Bộ TT&TT cũng khuyến nghị các bộ ngành, địa phương trong nhiệm kỳ tới chọn đột phá là công nghệ, nhất là công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế xã hội, thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số toàn dân và toàn diện.

Cũng theo ông, dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội 13 của Đảng đã đặt ra khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển cao thu nhập cao vào năm 2045.

Báo chí truyền thông ở cả T.Ư và địa phương nhận thấy trách nhiệm, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan toả năng lượng tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên. Tất cả các quốc gia đã hoá rồng, hoá hổ thì đều dựa vào tinh thần là chính.

Nhiều kết quả từ chuyển đổi số của các bộ, ngành

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, năm 2020 ngành y tế được đánh giá là điểm sáng của chương trình chuyển đổi số quốc gia với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, áp dụng thành tựu số trong y học.

Việc tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ của ngành trong phòng chống đại dịch Covid-19, trong ứng dụng khai báo y tế kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng truy vết, bản đồ an toàn Covid đã được ứng dụng rộng rãi; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán Covid-19…

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP

Ông thông tin, ngày mai (30/12), hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia được tổ chức với sự ra mắt của 3 nền tảng y tế, trong đó đặc biệt 98 triệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân đã được tạo lập trong vòng 5 tháng được công bố nhằm tiến tới khám chữa bệnh trực tuyến, khám điều trị ngoại trú không dùng giấy…, xây dựng nền y tế thông minh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành giáo dục đang thực hiện chuyển đổi số rất mạnh. Trong đợt dịch Covid-19, việc dạy học trực tuyến được triển khai rất tốt.

Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành khác cùng các địa phương đẩy mạnh vấn đề này, trong đó xây dựng chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, kết nối toàn ngành, để đảm bảo thủ tục hành chính trong ngành giáo dục phải được thực hiện thuận lợi trên môi trường số.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các DN và Chính phủ cần đồng hành trong phát triển thương mại điện tử, nhất là chuyển đổi số. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, năm 2020 nếu chúng ta không linh hoạt khai thác tốt nền tảng số và cơ chế thương mại điện tử thì sẽ không đạt được những chỉ số ấn tượng vừa qua.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP

Việt Nam là một trong những quốc gia đã chuyển sang xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trên nền tảng số.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2020, nước ta có tới 550 cuộc giao thương, xúc tiến thương mại trên nền tảng số và điện tử, giúp cho doanh nghiệp và các địa phương chậm phát triển có điều kiện khai thác những thị trường ở xa, khó khăn, nhất là những thị trường mới nổi, thị trường FTA.

“Năm 2021, không chỉ các nền tảng số phục vụ cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ điện tử, đặc biệt là hệ thống dịch vụ công trực tuyến cần tiếp tục nhân rộng để có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

5 trăn trở của Bộ trưởng Công an trong năm 2021

5 trăn trở của Bộ trưởng Công an trong năm 2021

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (29/12), Bộ trưởng Công an Tô Lâm kiến nghị 5 vấn đề đến Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương.  

Hương Quỳnh - Thu Hằng