Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thống đốc Lê Minh Hưng nêu hướng giải quyết các vướng mắc trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra, Chính phủ đã nghe và thảo luận về các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

{keywords}

Thủ tướng thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước. Ảnh: VGP

Phương án khả thi nhất cho gói 100.000 tỷ

“Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam và hiện đã có một cao trào phát triển khi các địa phương vào cuộc tích cực, nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, hơn 40 tỉnh, thành phố có dự án nông nghiệp công nghệ cao”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Tuy nhiên, theo vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp, vẫn còn hàng loạt điểm nghẽn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó trước hết và quan trọng nhất là đất đai.

Cụ thể, đó là những vướng mắc liên quan tới hạn điền, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc chuyển đổi cây trồng hằng năm từ lúa sang các loại cây khác… Hiện, Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để sửa đổi, bổ sung các chính sách trình Chính phủ và Quốc hội.

Đặc biệt, liên quan tới gói tín dụng 100.000 tỷ đồng mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, hiện Bộ NN&PTNT đã xây dựng một số kịch bản triển khai. Trong đó, đã tính tới phương án gói tín dụng này sẽ có cơ chế tương tự như gói 30.000 tỷ đồng với bất động sản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại… Song điều này khó thực hiện vì nguồn lực hạn chế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trước khi Thủ tướng yêu cầu mở rộng gói 50 nghìn tỷ đồng lên 100 nghìn tỷ, thì các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 300 tỷ đồng cho vay các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, với lãi suất thấp hơn từ 0,5 đến 1,5% so với lãi suất thông thường. Đây chính là phương án khả thi nhất.

“Nên làm theo hướng này, vì có tính khả thi, bảo đảm phù hợp cơ chế thị trường và có thể làm ngay. Các doanh nghiệp rất mong gói tín dụng, nhưng các ngân hàng thương mại phải vận hành theo cơ chế thị trường. Chúng ta phải làm sao để có nguồn lực nhưng vẫn phải theo cơ chế thị trường, không xử lý bằng biện pháp hành chính”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ và đề nghị NHNN cùng ngồi lại và rút kinh nghiệm từ các dự án đã cho vay.

Về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng cho biết rất nhiều nơi kiến nghị xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. “Theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, cách làm việc của chúng tôi là không có giới hạn khu, vùng, anh nào làm nông nghiệp công nghệ cao cũng được, miễn là quy hoạch đúng, lựa chọn nhà đầu tư đúng và xã hội hóa công tác quản lý đầu tư. Còn nếu trông chờ Nhà nước thì cực khó, không có tiền, mà có tiền cũng không thành công”, Bộ trưởng nêu rõ.

Hiện Bộ đã làm việc với tỉnh Bạc Liêu về khu nông nghiệp công nghệ cao 400 ha theo định hướng như trên. Theo đó, sẽ có một doanh nghiệp trụ cột đầu tư, làm quy hoạch chung, quản lý chung, đầu tư một số hạ tầng, sau đó một số nhà đầu tư thứ cấp tham gia, nhà nước chỉ làm đối tác công tư (PPP) đầu tư một phần nhỏ. Tinh thần chung là theo quy luật thị trường, xã hội hóa.

Liên quan tới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, dự kiến cuối tháng 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 210 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

“Tôi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thống nhất sẽ tổ chức một cuộc họp, mời các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Cần bảo đảm quyền tài sản trên đất

Trong khi đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết nhiều ngân hàng sẵn sàng tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ, như Ngân hàng Liên Việt đã cam kết 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thống đốc đề nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ hướng dẫn cụ thể về đối tượng tham gia chương trình, tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp, tiêu chí nông nghiệp sạch… để NHNN có cơ sở chỉ đạo các ngân hàng.

Đặc biệt, theo Thống đốc, vướng mắc lớn hiện nay là phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, như nhà kính, nhà lưới… làm cơ sở để thực hiện giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn.

“Đây là điểm nghẽn rất lớn, các doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng không có hướng dẫn thì không thể đăng ký tài sản, không thể thế chấp vay vốn. Đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tháo gỡ”, Thống đốc nói.

Thống đốc cũng đề nghị cần phải có đánh giá, dự báo cụ thể về thị trường sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao để ngành Ngân hàng có hướng triển khai tín dụng. Vì đây là lĩnh vực mới, rất rủi ro với cả ngân hàng và doanh nghiệp.

“NHNN đã triệu tập cuộc họp với nhiều ngân hàng thương mại, nói chung các ngân hàng đều rất ủng hộ và đồng thuận, nhưng trên cơ sở phải có tiêu chí cụ thể và các dự án phải bảo đảm khả thi về thương mại. Nếu như vậy, các ngân hàng sẽ đồng thuận áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi, thấp hơn mức thông thường”, Thống đốc khẳng định.

Kết luận vấn đề này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần trong thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào, giải quyết điểm nghẽn một cách tích cực hơn, tinh thần là xã hội hóa chứ không đầu tư bao cấp. Chính phủ cũng sẽ tập trung xử lý gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Làm rõ hơn về vấn đề này, tại phiên họp báo thường kỳ vừa diễn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết:

Gói 100.000 tỷ này không phải là gói tái cấp vốn từ vốn ngân sách nhà nước mà là các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-1,5% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chủ trương là xã hội hóa đầu tư hạ tầng, xã hội hóa đầu tư vốn, đầu tư tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất. Trong đó có việc tập trung sửa Nghị định 210, Nghị định 59, báo cáo Quốc hội sửa Luật Đất đai để tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền.

Thay vì sản xuất manh mún, đất giao lâu dài cho người dân thì giao nhiệm vụ cho các chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ thuê lại đất của dân để giao cho doanh nghiệp đầu tư trên phương thức sử dụng hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động ở trong khu vực nông thôn.

Doanh nghiệp làm nòng cốt, cùng với các HTX, các mô hình tổ hợp thực hiện vai trò vệ tinh. Doanh nghiệp cung cấp giống, cung cấp kỹ thuật, cung cấp công nghệ và hướng dẫn quy trình để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm có giá trị, từ đó có thể thu mua sản phẩm của HTX, người dân.

Theo Chinhphu.vn