Nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong nước có xu hướng dịch chuyển thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài.

Ngân sách sẽ thất thu nếu áp thuế cho game trong nước

Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm vừa ký công văn gửi Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, Bộ TT&TT có ý kiến, đề nghị tại thời điểm hiện nay chưa nên bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng”, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Lý do mà Bộ TT&TT đưa ra kiến nghị này vì theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì doanh thu game không phép do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam năm 2021-2022 chiếm khoảng gần 30% tổng doanh thu của toàn ngành game, nhưng không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào. Trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng và thu được từ các doanh nghiệp trong nước, mà không thể áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, nếu áp dụng sẽ làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam; làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Công văn của Bộ TT&TT khẳng định, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong nước có xu hướng dịch chuyển thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài như Singapore, rồi cung cấp dịch vụ game online xuyên biên giới vào Việt Nam để tránh thuế cao. Như vậy, ngân sách sẽ thất thu một khoản thuế lớn từ ngành công nghiệp không khói này. Vì vậy, mục tiêu xây dựng chính sách này nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước là không khả thi. 

Mặt khác, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp game trong nước tăng cường đầu tư phát triển, trong khi đây là một trong số ít những ngành nghề của nước ta có tiềm năng lớn để phát triển, vươn tầm thế giới. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số các quốc gia có ngành công nghiệp game phát triển thuộc top đầu trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số nước châu Âu cho thấy, chính phủ các nước này đều có chính sách ưu tiên, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp game của nước sở tại phát triển, trong đó có chính sách thuế ưu đãi. Hiện các nước này không áp dụng chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành công nghiệp game.  

Kiến nghị không áp thuế  tiêu thụ đặc biệt với game online

Cùng với Bộ TT&TT, VCCI đã có văn bản góp ý về xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có phần áp thuế này với game online. Văn bản góp ý của VCCI cho rằng, không nêu tác động tiêu cực của việc chơi game, mà đưa ra lý do đánh thuế là vì: “Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.” Việc sử dụng căn cứ là doanh thu, lợi nhuận, nhóm khách hàng để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một loại hàng hoá, dịch vụ là không thoả đáng.

VCCI cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với online game không thực sự khả thi, do sẽ gặp khó khăn khi xác định đối tượng chịu thuế, người nộp thuế và doanh thu chịu thuế với 3 lý do: Thứ nhất, đối tượng chịu thuế trò chơi điện tử trực tuyến sẽ rất khó để phân biệt với với các phần mềm, ứng dụng máy tính khác.

Thứ hai, người nộp thuế sẽ bao gồm nhiều nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, khiến cho việc kê khai và nộp thuế gặp nhiều khó khăn. Nếu không có biện pháp hữu hiệu thì việc đánh thuế này sẽ mang tính “bảo hộ ngược”, chỉ tác động đến các game được phát hành trong nước, mà bỏ qua các game nước ngoài có nội dung không được kiểm soát.

Thứ ba, doanh thu của ngành game đến từ người dùng và từ quảng cáo. Nếu chỉ đánh thuế đối với doanh thu từ người dùng sẽ khiến các doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất game miễn phí, vốn được trẻ em chơi nhiều hơn người trưởng thành. Nếu đánh thuế cả với doanh thu quảng cáo thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường quảng cáo và đặc biệt khó khăn khi phân biệt quảng cáo trong nước và nước ngoài.

VCCI đưa ra viện dẫn, công nghiệp sản xuất trò chơi điện tử hiện đang là lĩnh vực có tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các trò chơi trên thiết bị di động. Theo thống kê của Bộ TT&TT hiện nay 50% các game phổ biến nhất trên các kho ứng dụng Google Play, Appstore đến từ các nhà cung cấp của Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển nội dung số và xuất khẩu ra toàn cầu. Hiện nay, Bộ TT&TT đang có kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng của Việt Nam với tầm nhìn trở thành công nghiệp nội dung số mũi nhọn và quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới. Sẽ rất khó để đạt được tầm nhìn đó nếu chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với online game.

Với các lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo chưa bổ sung game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Phương Huy, Giám đốc VTC Intecom cho biết, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt doanh nghiệp như VTC sẽ “chết” trên sân nhà. Nhà nước có thể quản lý game online qua mã định danh điện tử như một số nước như Trung Quốc đang làm, chứ không phải dùng chính sách thuế nhắm vào doanh nghiệp game online. 

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames cho biết, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

“Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính… sẽ trở nên rất nặng nề”, ông Thắng nhấn mạnh.