Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, sáng 07/08 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quyền con người cho các PV, BTV đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông và cán bộ, công chức ngành TT&TT năm 2024.

W-quyền con người.jpg
Hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người được Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội.

Quyền con người là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng và xác định công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm thường xuyên của hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương mới nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người nhận thức sâu sắc hơn quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người.

Bên cạnh đó, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam đã quy định rõ ràng và cụ thể về quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội….

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực quyền con người, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về quyền con người, qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người. Đồng thời, thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới.

Trên tinh thần đó, Bộ TT&TT thường xuyên triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quyền con người. Năm 2024, theo kế hoạch, Bộ sẽ tổ chức 2 hội nghị phổ biến trong lĩnh vực này tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị lần này, các PV, BTV đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông và cán bộ, công chức ngành TT&TT đã được nghe PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) giới thiệu, trình bày các nội dung về quan điểm, chính sách pháp luật về quyền con người và thành tựu về quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam; nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về tự do ngôn luận, tự do báo chí, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực quyền con người; phát huy vai trò truyền thông, báo chí trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT), cho biết: Việc phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người là một trong những nhiệm vụ thường xuyên do Bộ TT&TT tổ chức nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho các PV, BTV và các cán bộ quản lý công tác TT&TT. Thông qua các kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết và các hoạt động nghiệp vụ, các PV, BTV cũng như các cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực TT&TT có thể truyền tải thông tin đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội.

Theo ông Hải, vai trò của truyền thông, báo chí vô cùng quan trọng bởi đây không chỉ là cầu nối đưa thông tin đến công chúng, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức, giáo dục nhân quyền và phản ánh tình hình thực tế về việc thực thi các quyền này. 

Việc tham gia tích cực của truyền thông và báo chí sẽ giúp tăng cường sự minh bạch, thúc đẩy hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng, đồng thời giúp các cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả hơn.

Trong thời đại công nghệ số, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội xã trở thành những nền tảng quan trọng, giúp thông tin về nhân quyền được lan toả nhanh chóng và rộng rãi. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, mà còn tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng, kiến thức tuyên truyền về nhân quyền cũng đóng vai trò then chốt, giúp nâng cao chất lượng nội dung và có sức lan toả mạnh mẽ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động tích cực từ cộng đồng trong lĩnh vực này. 

Đây cũng là cơ hội để cùng nhau học hỏi, trao đổi, chia sẻ và cập nhật các thành tựu của Việt Nam, đồng thời nâng cao kiến thức mới về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về quyền con người từ đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho toàn dân, góp phần đưa các chính sách này đi sâu vào cuộc sống.