Đây là thông tin được Bộ Xây dựng đưa ra tại báo cáo trước thềm Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát (BĐS) triển lành mạnh, bền vững dự kiến sẽ diễn ra cuối tuần này. 

Đánh giá về thị trường BĐS thời gian qua, Bộ Xây dựng cho biết thị trường có nhiều khó khăn nhất là vào nửa cuối năm 2022. Đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động. 

Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật của địa phương cần tiếp tục được tập trung tháo gỡ (Ảnh: Hoàng Hà)

Về nguồn cung BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung – cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu. 

Số liệu thống kê cho thấy, cơ cấu sản phẩm BĐS bình dân giảm từ 20% năm 2019 xuống dưới 5% trong năm 2022. 

Số lượng dự án triển khai rất hạn chế. Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, năm 2022, cả nước có 126 dự án với hơn 55.700 căn hộ được cấp phép bằng khoảng 52,7% so với năm 2021; có 466 dự án với hơn 228.000 căn hộ đang được triển khai bằng 47,7% so với năm 2021; 91 dự án đã hoàn thành với hơn 18.000 căn hộ bằng khoảng 55,2% so với năm 2021. 

Trong khi đó, cả năm 2022, chỉ có 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới với hơn 5.520 căn hộ; có 114 dự án với hơn 6.190 căn hộ đã hoàn thành. 

Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong các quý không ổn định, cụ thể là thành công tăng cao nhất vào quý II, sau đó giảm và thấp vào quý IV. 

Về giá giao dịch BĐS, theo Bộ Xây dựng, nhìn chung trong năm 2022, giá bất động sản liên tục tăng trong quý I và quý II; quý III chững lại; quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều. Hầu hết vẫn giữ ở mức cao đã thiết lập cuối quý II.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, BĐS đang có sự lệch pha, cơ cấu sản phẩm trên thị trường lại phát triển mất cân đối. Nhà có giá vừa túi tiền, mức giá khoảng từ 30 triệu/m2 trở xuống hoặc nhà ở xã hội đều rất thiếu. Như ở TP.HCM, năm 2020 chỉ có 1% nhà ở là giá vừa túi tiền, năm 2021 đến nay, không có nhà ở thương mại nào có giá vừa túi tiền.

“Trong khi đó, tỉ lệ nhà ở cao cấp liên tục gia tăng. Vừa thiếu hụt nguồn cung, vừa thiếu hụt nhà ở giá vừa túi tiền nên giá nhà bị đẩy lên mức rất cao. Nhà ở xã hội hiện có những căn giá lên tới 25 triệu/m2, trong khi trước đây mục tiêu chỉ ở mức 15 triệu/m2. Còn nhà ở thương mại, như ở TP.HCM, hiện tìm căn giá dưới 35 triệu là không ra, thậm chí có những nhà siêu sang, được đẩy giá lên tới 500-700 triệu đồng/m2.” – ông Châu nói.

Thông tin về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác đã làm việc với 5 địa phương và một số doanh nghiệp BĐS, chuyên gia, Hiệp hội…

Bộ đánh giá, hiện nay, tình hình thị trường đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật của địa phương cần tiếp tục được tập trung tháo gỡ. 

Lùi thời gian tổ chức hội nghị 

Ngày 11/2, Văn phòng Chính phủ gửi đi công điện về Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, được tổ chức từ 8 - 12 giờ, ngày 14/2 tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ngày 13/2, nhiều khách mời cho biết thời gian tổ chức Hội nghị được lùi sang ngày 17/2.