Đậu mùa khỉ là một trong các dịch bệnh được Bộ Y tế ưu tiên phòng chống hiện nay. Vì thế, Bộ vừa thành lập 6 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyên môn về giám sát, đáp ứng, thu dung điều trị, truyền thông về phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại một số tỉnh, thành như: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai… 

TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn kiểm tra số 2. Nhiều tình huống được đoàn công tác đặt ra cho nhân viên y tế đón tiếp bệnh nhân tại sảnh, bộ phận tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh và bác sĩ các buồng/phòng khám như: Cần ưu tiên làm gì khi có ca bệnh nghi ngờ đậu mùa khỉ? Bệnh nhân đến đăng ký khám các bệnh da liễu, thầy thuốc cần phải quan sát những gì để sớm phát hiện ca nghi ngờ? Nếu có nhiều bệnh nhân nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ cùng lúc, bệnh viện ứng phó ra sao?

TS Dương 'truy bài' nhân viên y tế Bệnh viện Da liễu Hà Nội tại buổi kiểm tra. Ảnh: Võ Thu

Tại buổi kiểm tra, Đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bệnh viện Da liễu Trung ương và Da liễu Hà Nội về việc bố trí đường đi, giám sát truy vết bệnh nhân nếu có ca nghi ngờ, kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý rác thải…

Dù hiện nay chưa có ca bệnh nghi ngờ, nhưng ông Dương đề nghị các bệnh viện cần thường xuyên tổ chức các tập huấn, đào tạo về bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nếu có. 

Đồng thời, là các bệnh viện có số lượng bệnh nhân tới khám đông, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện cần bố trí các poster, tờ rơi truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ để người dân biết về bệnh này nhiều hơn.

Bệnh viện Da liễu Trung ương dành một phòng container ngay cạnh cổng viện để cách ly ca nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: Võ Thu

Hiện Bệnh viện Da liễu Trung ương dành một phòng container ngay cạnh cổng chính ra vào của viện để cách ly ca nghi ngờ. Đoàn kiểm tra đề nghị bệnh viện cần có phương án cho tình huống có nhiều ca nghi ngờ cùng lúc.

Liên quan đến quy trình khi có ca bệnh nghi ngờ xuất hiện, TS Vương Ánh Dương nhấn mạnh, khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, việc đầu tiên là cảnh báo, gọi cho đường dây nóng, tức là trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện để kích hoạt hội chẩn, chẩn đoán xem bệnh nhân có nghi ngờ đậu mùa khỉ hay không.

"Khi có nghi ngờ đậu mùa khỉ, ưu tiên số 1 là gọi cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Cơ sở này sẵn sàng tiếp nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh nhân đậu mùa khỉ" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nêu rõ.

TS Dương cho biết ở Hà Nội, trong trường hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có số lượng bệnh nhân nhiều hơn khả năng thu dung, Sở Y tế đã bố trí Bệnh viện Đống Đa là cơ sở tiếp theo tiếp nhận.

Đến nay, nước ta ghi nhận 2 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, đều là ca bệnh xâm nhập, là người Việt trở về từ Dubai, hiện đã xuất viện. Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khẳng định Việt Nam chưa có ổ dịch đậu mùa khỉ trong nước.

Hiện nay không chỉ có các nước châu Âu, Mỹ mà nhiều nước trong khu vực cũng đã có ca bệnh như: Australia (40 ca), New Zealand (hơn 20 ca), Thái Lan (hơn 10 ca). Vì thế, nguồn bệnh xâm nhập đầu tiên là từ sân bay, sau đó là các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu.