Em N.N.H.M (10 tuổi) sống cùng ông bà nội ở phòng trọ thuộc TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Bà Nguyễn Thị Triều Nhi cho hay, M. là đứa bé ngoan và học rất giỏi. Đầu tháng 7 vừa qua, em đột ngột tử vong.

“M. không sốt, chỉ mệt, tay chân lạnh và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết. Gia đình tôi chuyển cháu qua 3 bệnh viện. Ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bác sĩ cho M. lọc máu nhiều ngày nhưng không đỡ, gia đình xin về. Cháu mất trên đường về nhà”, bà Nhi nói với cán bộ y tế sáng 25/7. 

Xóm trọ nơi bà Nhi và cháu M. sinh sống có khoảng 6 phòng trọ, xung quanh là vườn tược. Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhanh chóng tìm thấy ổ lăng quăng khi đổ nước từ chậu cây ra. Ngay thời điểm đoàn công tác kiểm tra, muỗi cũng vo ve liên tục. 

Bà Nhi và di ảnh cháu nội vừa mất vì sốt xuất huyết. 

Đây là tình cảnh không hiếm gặp ở tỉnh Bình Dương, một trong những điểm nóng sốt xuất huyết tại phía Nam. Đến lúc này, Bình Dương 8.567 ca mắc, 1.520 ổ dịch, 12 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Đáng chú ý, có 8 trẻ em dưới 15 tuổi đã tử vong.

Tại Lễ phát động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh sáng 25/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ, Việt Nam đang phải ứng phó cùng lúc nhiều loại dịch bệnh. 

Cụ thể, tại Việt Nam, dịch Covid-19 có xu hướng tăng số mắc trong 2 tuần qua, ghi nhận các biến thể phụ của Omicron. Ngày 23/7 cả nước có 1.071 ca và đã có trường hợp tử vong. Nhiều người dân chủ quan sau khi tiêm vắc xin mũi, 2 và từng mắc Covid-19. Do đó, chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4.

Bệnh sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 124.000 ca mắc và hàng chục ca tử vong. Sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên. 

Tay chân miệng cũng bắt đầu ghi nhận nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh. Riêng tỉnh Bình Dương cũng có ca tử vong đầu tiên trong 2.000 trường hợp mắc tay chân miệng năm 2022.

Mới đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với hơn 16.000 ca mắc tại 75 quốc gia trên thế giới, 5 trường hợp tử vong. 

Một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận các ca bệnh. Việt Nam đã khẩn cấp lên phương án ứng phó, giám sát và triển khai các kịch bản với đậu mùa khỉ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại lễ phát động sáng 25/7.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị UBND các tỉnh thành phố, các địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, vận động nhân dân thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi... Từ đó, hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh, giảm số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra trên cả nước. 

"Việc vệ sinh cá nhân là biện pháp phòng dịch cơ bản, đơn giản, hữu hiệu và cơ bản nhất mà người dân có thể thực hiện được", bà Liên Hương nhấn mạnh.

Quyền Bộ trưởng Y tế: 'Nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu'Bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Y tế, cho biết tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu.
Bác sĩ cảnh báo sử dụng thuốc Tamiflu trị cúm A không đúng có thể gây trầm cảmThuốc Tamiflu sử dụng không đúng chỉ định của bác sĩ có thể gây ra nhiều hậu quả về sức khỏe. Trong đó, có tác dụng phụ về thần kinh, gây trầm cảm cho người uống.