Ngày 15/3, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI, liên quan giải pháp đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, đặc biệt là thuốc thuộc diện bảo hiểm y tế, nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc trầm trọng và người dân phải ra ngoài mua.

Người đứng đầu Bộ Y tế một lần nữa khẳng định 2 trong 5 nguyên nhân chủ quan của hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công lập là “hạn chế nguồn cung do việc cấp phép, gia hạn giấy phép lưu hành chậm” và “có tâm lý e ngại, sợ sai trong tổ chức thực hiện mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu”.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị, Bộ Y tế khẳng định đã và đang hoàn thiện hành lang pháp lý, mới nhất là trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 liên quan quản lý trang thiết bị y tế, thuốc… 

Người dân mua thuốc tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Võ Thu

Bà Lan cũng cho hay Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan “tham mưu quyết liệt” cho Chính phủ sửa đổi một số luật, thông tư, nghị định để tạo điều kiện thuận lợi cho mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế…

Để tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng lý lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế cho biết cơ quan này thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược. Cụ thể, giao Trường Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Dược Hải Phòng, tham gia thẩm định hồ sơ.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cơ quan này đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và các giải pháp “nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức và chuyên gia thẩm định hồ sơ”, tiếp tục đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng công chức và chuyên gia thẩm định xin thôi việc hoặc không tham gia thẩm định hồ sơ; sửa đổi quy định về thu phí đăng ký thuốc và chế độ thù lao cho chuyên gia để thúc đẩy công tác thẩm định hồ sơ.

Cuối năm 2022, tại báo cáo tổng kết triển khai thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Luật Dược do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, cơ quan này nêu tình trạng hết hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, không kịp thời được gia hạn xuất hiện từ cuối năm 2019 và trầm trọng hơn trong hai năm tiếp đó. "Nguyên nhân chính là nhiều chuyên gia từ chối tham gia thẩm định", Bộ Y tế nêu.

Cũng theo cơ quan này, việc thẩm định hồ sơ yêu cầu chuyên môn sâu và trách nhiệm lớn nhưng chế độ thù lao cho các chuyên gia thẩm định hồ sơ còn chưa tương xứng. Mức thù lao chỉ được chi trả 70% số tiền trích để lại từ nguồn thu phí đăng ký thuốc, nhưng hiện nay mức thu phí quá thấp. Theo Bộ Y tế, so với mặt bằng chung trong khu vực ASEAN và một số quốc gia, mức thu phí thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc của Việt Nam chỉ bằng 1/2, 1/5 của Malaysia và 1/8-1/24 của Hàn Quốc. 

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế được nhiều bệnh viện lớn và các địa phương phàn nàn nhiều từ đầu năm 2022, cao điểm từ tháng 6. Cuối tháng 7/2022, Bộ Y tế thống kê cho thấy 40/55 sở y tế và bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. 

Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…