Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa ký văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên liên quan việc trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị có chính sách thu hút nhân viên y tế tuyến huyện và xã; đẩy mạnh công tác quản lý, đào tạo chuyên môn cho y bác sĩ, nhất là ở y tế cơ sở; cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở...
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại cơ sở, trong đó có đào tạo cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và dược sĩ tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình và loạt chương trình khác.
Bộ trưởng Y tế đưa ra 5 giải pháp để nâng cao chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở, trong đó có tăng cường luân phiên cán bộ y tế theo hai chiều từ dưới lên trên, trên xuống dưới. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây liên quan y tế cơ sở, Bộ Y tế cho biết hiện việc luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên về tuyến xã và ngược lại còn "rất hạn chế".
Theo báo cáo của 41 tỉnh, thành phố, số bác sĩ làm việc tại tuyến huyện và xã hiện có hơn 24.300, số bác sĩ làm việc luân phiên tại trạm y tế xã chỉ có 656.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai mô hình nhóm nhân lực y tế thực hiện đầy đủ chức năng cung ứng toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã thay cho vai trò cá nhân bác sĩ gia đình. Trong đó, nguyên lý y học gia đình là chăm sóc toàn diện liên tục, phối hợp và lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng.
"Nhóm nhân lực này không chỉ bao gồm những nhân viên cơ hữu tại trạm y tế xã mà bao gồm cả những nhân viên y tế tuyến trên làm việc luân phiên tại trạm y tế xã, khám chữa bệnh định kỳ tại trạm y tế xã hay hỗ trợ từ xa cho trạm y tế xã", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Hiện nay, một số địa phương như TP.HCM đã triển khai gần 50 trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; Hà Nội đặt mục tiêu năm 2023 có 85% trạm y tế hoạt động hiệu quả theo nguyên lý này, nâng lên 100% vào năm 2025.
Liên quan cơ sở y học gia đình, tại Việt Nam, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được Bộ Y tế phê duyệt để nhân rộng và phát triển giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, giảm tải cho bệnh viện. Dù phấn đấu đến năm 2020 có 80% tỉnh, thành triển khai phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn tỉnh nhưng đến nay cả nước mới có 340 phòng khám bác sĩ gia đình ở 14 tỉnh, thành.
Bộ Y tế nhìn nhận, việc áp dụng rộng rãi nguyên lý y học gia đình còn nhiều hạn chế do nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I y học gia đình. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn, chưa kể, người dân chưa tin tưởng vào tay nghề bác sĩ gia đình. Hơn nữa, thu nhập của bác sĩ trong mô hình bác sĩ gia đình còn thấp, gây khó cho việc tuyển dụng được người giỏi chuyên môn, theo Bộ Y tế.
Tại Hội thảo Định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM hôm qua (29/3), PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng cần có chính sách đãi ngộ phù hợp trong việc thu hút nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, trong đó, chú trọng tăng cường các bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình về trạm y tế.