Theo TS, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve, Thụy Sĩ, xét về tính chất, quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và thể hiện cụ thể tại các văn kiện quốc tế có bốn đặc tính cơ bản.

Một là, tính phổ quát. Lần đầu tiên đặc tính này được khẳng định tại Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, đồng thời được đề cập trong nhiều công ước, tuyên bố, nghị quyết quốc tế về quyền con người. Đó là mọi người sinh ra đều được hưởng các quyền con người.

W-giaoduc-2.png
Việt Nam luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hai là, tính không thể phân chia và phụ thuộc lẫn nhau. Các quyền con người đều có giá trị quan trọng như nhau và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau; sự tiến bộ trong bảo đảm một quyền cũng dẫn tới những tác động tích cực trực tiếp hoặc gián tiếp đến bảo đảm các quyền khác; ngược lại, sự vi phạm một quyền cũng trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác.

Ba là, tính bình đẳng và không phân biệt đối xử. Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền; mọi người đều được hưởng tất cả quyền con người, không bị phân biệt đối xử vì bất kỳ lý do gì, từ vấn đề chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, đến độ tuổi, thành phần xuất thân… Bốn là, quyền phải đi cùng với nghĩa vụ. Mỗi cá nhân đều được hưởng các quyền con người, nhưng cũng có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền con người của người khác.

Xét về phân loại, cùng với sự phát triển của các văn kiện quốc tế về quyền con người, hiện nay, cộng đồng quốc tế phân loại các quyền con người theo nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng một trong những cách phân loại thông dụng nhất là theo lĩnh vực của đời sống. Do vậy, quyền con người bao gồm hai nhóm chính: quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế - xã hội, văn hóa.

Cách phân loại này được thể hiện ở Công ước về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966) và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966). Trong đó, nhóm quyền dân sự, chính trị, bao gồm quyền sống, quyền tự do và an toàn nhân thân, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền được bảo vệ sự riêng tư; quyền tham gia chính trị, quyền bầu cử, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội… Nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm quyền lao động, quyền được hưởng mức sống thích đáng; quyền được hưởng an toàn xã hội, quyền về gia đình, hôn nhân không bị cưỡng bức; quyền giáo dục, quyền y tế, quyền văn hóa… Các quyền này đòi hỏi có sự can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước.

Ngoài ra, có thể kể đến quyền liên kết với các vấn đề toàn cầu và gắn với sự sống còn của nhân loại, như quyền hòa bình, quyền môi trường, quyền phát triển. Những quyền này đòi hỏi có sự hợp tác và trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, sự phân chia các quyền con người theo tiêu chí lĩnh vực chỉ mang tính tương đối do một số quyền có sự đan xen giữa tính chất dân sự và chính trị, chẳng hạn như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do hội họp một cách hòa bình, quyền tự do lập hội.

Hơn nữa, quyền con người với tính chất không thể phân chia và phụ thuộc lẫn nhau, khó có thể phân cấp một cách rạch ròi, đòi hỏi việc bảo đảm quyền con người được triển khai đồng bộ và coi trọng như nhau. Việc phân loại quyền con người chỉ mang tính lý thuyết, chủ yếu nhằm mục đích theo dõi, phân tích, tìm hiểu đặc trưng cơ bản, qua đó đề ra những biện pháp chung và biện pháp riêng để thực thi thích hợp.

Sau 75 năm kể từ khi ra đời, các quy định của Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị. Đó là văn kiện chính trị đặc biệt, được tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, hệ tư tưởng, trình độ phát triển, bản sắc văn hóa đều thừa nhận và được xem là giá trị chung của nhân loại, góp phần thúc đẩy các quốc gia, dân tộc xây dựng, thực thi quyền con người, làm cho thế giới phát triển, tiến bộ hơn. Hiện nay, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã được dịch sang 555 thứ tiếng và đang tiếp tục được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhằm tăng cường phổ biến, thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người.

PV (lược ghi)