Theo dữ liệu chính thức, nhập khẩu chip của Mỹ tăng 17% so với năm ngoái lên mức 4,86 tỷ USD trong tháng 2, với 83% số lượng từ châu Á.

Các lô hàng bán dẫn của Ấn Độ tăng gấp 34 lần, lên 152 triệu USD trong khi Campuchia cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 698%, chỉ xếp sau Nhật Bản ở mức 166 triệu USD, con số chưa từng có tiền lệ với quốc gia này.

Bán dẫn là thành phần thông minh quan trọng trong mọi thiết bị điện tử, từ máy tính, điện thoại cho đến đồ đạc gia dụng. Mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các bên phải suy nghĩ lại chiến lược cung ứng của mình.

Việt Nam và Thái Lan, với thị phần bán dẫn nhiều hơn, tăng tương ứng 75% và 62% giao dịch với Mỹ trong lĩnh vực. Đến nay, Việt Nam liên tục chiếm hơn 10% tổng sản lượng nhập khẩu của Washington trong 7 tháng liên tục.

Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về việc đất nước của họ phụ thuộc quá nhiều vào những nhà cung cấp nước ngoài trong lĩnh vực chip tiên tiến, chẳng hạn như Đài Loan và Trung Quốc.

Tháng 7 năm ngoái, tại Diễn đàn An ninh Aspen hàng năm tổ chức ở Colorado, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khẳng định, “sự phụ thuộc” của Mỹ vào “chip Đài Loan là không thể kiểm soát và không an toàn”.

Số liệu tháng hai cho thấy, Mỹ đang trong quá trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng điện tử, thể hiện ở việc Apple chuyển dần sản xuất iPhone khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ. Malaysia, địa điểm đóng gói chip truyền thống của các nhà sản xuất Mỹ, vẫn dẫn đầu lượng hàng nhập khẩu, nhưng tổng sản lượng đã giảm xuống 20% trong cùng kỳ.

Đài Loan, một trong những điểm nóng trong cọ sát giữa 2 bên, đã tăng 4,3% lượng hàng xuất Mỹ so với năm ngoái và chiếm 15% kim ngạch nhập khẩu của nước này.

Theo Bloomberg