Chị Minh Nguyệt (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, nhà chị thường có thói quen mua loại bóng bay bơm sẵn, có thể bay lơ lửng để trang trí trong những ngày sinh nhật, lễ, Tết, hoặc những dịp đặc biệt.

Chị Nguyệt còn chia sẻ, do con nhỏ thích chơi các loại bóng này nên đôi khi đi đường gặp những người bán rong chị cũng sẽ mua về cho con chơi.

Thực tế, bóng bay bơm khí hydro được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết chúng có thể phát nổ, gây hậu quả nghiêm trọng bất kỳ lúc nào.

Chị Hoàng Hương (Đông Anh, Hà Nội) cũng thường có thói quen mua bóng bay bơm sẵn, có thể bay lơ lửng để đi chụp ảnh cùng bạn bè.

“Mình thường mua các loại bóng bơm sẵn này vì vừa đẹp, vừa tiện mà giá cả lại phải chăng. Một quả bóng mua có thể chơi được khoảng một tuần. Sau khi chụp ảnh xong thì mình có thể tận dụng mang về cho các bạn nhỏ ở nhà chơi”, chị Hương nói.

anh sat 25 1.jpg
Những quả bóng bay được bơm khí hydro hoặc heli

 Thực tế, để những quả bóng bay bình thường có thể bay lơ lửng trên không, người bán sẽ phải bơm vào khí hydro hoặc khí heli. Tuy nhiên, khí heli an toàn với nhiệt độ, còn khí hydro khi gặp nhiệt độ đủ lớn, chúng có thể phát nổ ngay lập tức. Do giá thành rẻ hơn nên những người bán thường lựa chọn bơm khí hydro. Điều này đồng nghĩa với những người mua cũng phải đối mặt với rủi ro cao hơn.

Những sự cố nghiêm trọng liên quan tới nổ bóng bay bơm khí hydro đã được ghi nhận trong suốt thời gian qua. Đơn cử như sự việc xảy ra ngay trong ngày khai giảng 5/9 tại Trường Tiểu học xã Yên Phú (Yên Định, Thanh Hóa) đã khiến 10 học sinh phải nhập viện. Nguyên nhân do trường sử dụng bóng bay để trang trí, khi một người hút thuốc đi ngang qua đã khiến chùm bóng bay phát nổ, khiến các em học sinh đứng gần đó bị bỏng.

Trước đó, vào năm 2022, một học sinh ở Tuyên Quang cũng phải nhập viện vì bị bỏng mặt, tay do nổ bóng bay bơm khí hydro. Năm 2019, 3 cầu thủ của U14 CLB Sông Lam Nghệ An và một bảo vệ cũng bị bỏng nặng do một người đã dùng bật lửa để tháo dây buộc chùm bóng.

Theo Cục cảnh sát PCCC&CNCH, khí hydro là một loại khí rất dễ gây cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc với nguồn lửa rất nhỏ như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã… cũng có thể khiến nó phát nổ và tỏa ra luồng nhiệt mạnh. Do khí hydro có cấu trúc phân tử bé, có thể dễ dàng thẩm thấu nhanh qua màng bóng bay nên chỉ cần gặp môi trường nhiệt độ cao như đi ngoài trời nắng, chúng cũng có thể phát nổ.

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cảnh báo, khí hydro khi bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh. Do khoảng cách giữa bóng và cơ thể con người là rất gần nên khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng da, mù mắt…

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân cần phải thận trọng khi sử dụng loại bóng này. Đặc biệt, không thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột như cầm bóng từ ngoài trời nắng vào trong phòng kín, tuyệt đối không để bóng trong các không gian kín, hẹp như ô tô hoặc gần các thiết bị phát nhiệt như bếp, đèn…

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, bản thân những quả bóng này khi ma sát với nhau cũng có thể sinh nhiệt và phát nổ, do đó, không nên buộc nhiều thành chùm.

Không nên sử dụng lửa để cắt dây buộc, không cho trẻ nhỏ chơi loại bóng này ở những khu vực có nguy cơ gây nổ bóng cao để đảm bảo an toàn.